Phân đoạn 2 truyện kí thứ ba
Đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 11-2005
http://www.giaodiem.
com/mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky5.htm
TRẦN XUÂN AN
CHÍN NĂM, MỘT HUYỆN MIỀN NÚI
Truyện kí thứ ba
(phân đoạn 2)
4
Tri huyện Thành Hoá Nguyễn Văn Tường ngay tức khắc nghe được tin thực dân Phú Lãng Sa tấn công vào Đà Nẵng khi sự biến xảy ra (29). Đó là một luồng tin tức chạy nhanh như làn chớp khắp kinh sư, các tỉnh tả hữu trực kì và khắp cả nước!
Báo động! Báo động!
Ngày hai mươi bốn tháng bảy, Mậu ngọ (01.09.1858), năm Tự Đức thứ mười một, mười hai chiếc thuyền binh Phú Lãng Sa và Y Pha Nho vào cửa biển Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, bắn phá hai thành Điện Hải, An Hải, mở đầu cuộc xâm lược thực sự bằng súng đạn vào nước ta, nếu không kể vụ bắn chìm năm chiếc thuyền chiến cũng tại nơi đó vào năm Thiệu Trị thứ bảy (1847)! Thời điểm này, ông biết, tuần vũ Nam – Ngãi là Trần Hoằng, bố chính sứ Quảng Nam là Thân Văn Nhiếp, và không ai khác, Lê Văn Phổ đang lãnh nhiệm án sát. Văn Nhiếp, Văn Phổ đã bị giáng bốn cấp, lưu nhiệm!
Nguyễn Văn Tường thừa hiểu, để dập tắt những cuộc dấy loạn của “tả đạo” bên trong, tất nhiên các vụ trấn áp của quan quân triều đình phải diễn ra, kèm với các đạo dụ cấm đạo liên tiếp được ban hành. “Tả đạo” đã tạo cớ cho thực dân “can thiệp” nhằm mưu toan xâm lược toàn diện nước ta, chủ yếu là cướp bóc của cải và sức người! Hãy nhìn quanh các nước Ấn, Miến, Hạ Châu, Cao Ly, Thanh… Hãy đọc những cái được gọi một cách mỉa mai là “hoà ước” bọn Tây dương ép buộc các nước ấy phải kí!
Thành Hoá đã được khởi động việc tăng cường phòng thủ. Hơn bao giờ hết, tri huyện Nguyễn Văn Tường nhắc nhở các đội quân thuộc huyện, đặc biệt là tham mưu cho đội quân Định biên, phải lo đắp sửa đồn bảo, nhất là bảo Ải Lao. Nỗi lo toan trực tiếp và lớn nhất của triều đình là bị tấn công phía các cửa biển. Kế đó, là nỗi âu lo về khả năng thứ hai, bọn Hồng Mao và Phú-lãng-sa từ đất Miến, Xiêm có thể vượt đất Lào, sông Khung (Cửu Long), đánh tập hậu kinh đô đồng thời với việc uy hiếp hai cửa biển Thuận An, Tư Hiền ở Thừa Thiên, cùng hai hải khẩu khác, Tùng Luật, Việt Yên ở Quảng Trị. Tuy nhiên, cũng như đồn bảo sơn phòng Ải Lao là quan trọng nhất so với các đồn sơn phòng khác, cửa biển hải phòng Thuận An vẫn trọng yếu nhất trong bốn cửa biển kinh sư. Ở đây đã có Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Bằng, dưới kia đã có Trần Tiễn Thành, Nguyễn Như Thăng. Cơ Định biên của Nguyễn Bằng đã được tăng cường quân số.
Trong khi lo tiến hành phòng thủ sinh điểm của kinh đô, Nguyễn Văn Tường ngày ngày tìm cách lắng nghe tin tức từ Đà Nẵng, nghiên cứu các thông tư mật của triều đình. Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương, sung làm tổng thống quân thứ Quảng Nam (30), đã ra trận, dùng chiến thuật đào hào đánh lấn, có những trận thắng rất oanh liệt. Ông nhận định: “Giặc lấy chiến làm lợi [thế], ta lấy thủ làm lợi [thế]”, và kính kiến nghị: “Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn luỹ, để dần dần tiến đến gần giặc” (31) . Bọn giặc Phú Lãng Sa và Y Pha Nho đành cầm cự, không tiến được, vì thế. Vả lại, chúng bị mắc kẹt quân ở Tàu (32). Hơn nữa, khác với lời hứa hẹn của các cố đạo, sẽ có hằng vạn tín đồ hiệp lực, chúng không ngờ, sự thật, “tả đạo” người Việt ở Đà Nẵng ra mặt ủng hộ chúng chỉ vài chục người với độc nhất một đạo trưởng (linh mục) (33)! “Tả đạo” Đàng Trong không “nhẹ dạ” như “tả đạo” Đàng Ngoài ư? Đó là băn khoăn, thắc mắc của vua Tự Đức. Và chính Phan Thanh Giản, sau đó, đã thưa rõ nguyên nhân: Đàng ngoài theo “tả đạo” nhiều hơn (34)!
Ở Bắc Kì, tại Hải Dương, hai tên đầu sỏ giặc theo đạo Gia Tô, Nguyễn Đình Đường, Hoàng Văn Điển, đều là tay chân của tú Yêm, của cố đạo Tây lấy tên Việt – cụ Xuyên (35). Chúng đã chịu tội chết. Tại Nam Định, quan quân bắt được đầu sỏ giặc là đạo trưởng Hoàng Kim Duyệt, lập tức chém bêu đầu (36).
Quấy nhiễu Bắc Kì, đánh Trung Kì, thế là rõ thủ đoạn của giặc! Chúng muốn đánh lạc hướng, chia nhỏ lực lượng phòng thủ của ta!
Tháng chín nguyệt lịch, tri huyện Nguyễn Văn Tường được thăng tán lí Bộ Binh (37), vẫn giữ chức vụ cũ. Với quân hàm mới này, ông đã trở thành một quan văn kiêm làm nhiệm vụ quân đội.
Lại nghe tin ở Bắc Kì, tàu chiến Tây dương vào đỗ ở Dậu Sơn, tỉnh Hải Dương, bọn cố đạo Đỗ Thế Hùng (cụ Thái) họp quân ở Đông Triều, cũng thuộc tỉnh ấy! Quỷ quái hơn, chúng còn cho một kẻ ngụy xưng là hậu duệ vua Lê, với cái tên Lê Duy Minh, có các tên giặc khác như Trần Văn Tùng, Trần Đức Thịnh phù giúp! Ở Nam Định, tại xã Vĩnh Trị, đạo trưởng Thế chứa thóc gạo, ván gỗ, luyện quân! Và những Lý Thạch, Lê Khảm, Trần Văn Bích, Trần Văn Bách, tú Hựu, Khoan, Dương Văn Tiến, Vũ Văn Tung, Vũ Sỹ, Vũ Văn Kịch dấy loạn với nỗi thèm khát lập được một nước do bọn “tả đạo” Tây dương và quan binh Phú – Y “bảo hộ” (38)… Trong khi đó, ngược lại, có những người Bắc kì yêu nước như tiến sĩ Phạm Văn Nghị (39), cử nhân Nguyễn Đức Ý (40)… Họ ra sức chiêu mộ quân, xin vào Đà Nẵng đánh Tây, ra sức lập kho xã thương, đem tiền gạo, của riêng, giúp kẻ nghèo túng, nuôi quân binh triều đình, hiến ruộng đất tư làm ruộng đất công.
Những tưởng với quân hàm mới, tán lí Bộ Binh, ông sẽ được ra trận, vào tận mặt trận nóng bỏng nhất là Đà Nẵng, nhưng Nguyễn Văn Tường cũng tự biết, không ai có thể thay ông ở vị trí phòng thủ xung yếu này, một địa bàn ông đã thuộc như lòng bàn tay. Ông chỉ còn biết ngoài việc tăng cường phòng thủ, còn phải kịp thời và ra sức vận động dân sơn nguồn tìm bắt, tìm mua voi đánh trận theo kiến nghị của Bộ Binh đã được vua chuẩn y (41).
Đầu năm Tự Đức thứ mười hai (1859), tháng giêng, sau Tết Nguyên đán, khi Nguyễn Văn Tường bước vào tuổi ba mươi sáu, giặc Phú và Y lại chuyển hướng, tấn công vào Phúc Thắng thuộc Biên Hoà và các đồn bảo ở Gia Định (42)!
Vũ Văn Kịch ở Hải Dương lại quấy phá mạnh (43)!
Và giặc Tây đánh chiếm thành Gia Định! Gia Định đã thất thủ (17.02.1959) (44)!
Dẫu đã trực cảm mưu kế dương đông kích tây của giặc, Nguyễn Văn Tường không khỏi sửng sốt. Thế là rõ!
Ở Bắc Kì, cố đạo Tây dương, làm cố vấn quân binh, cùng “tả đạo” Việt khởi loạn là chính. Quân Phú và Y không dám xâm chiếm Bắc Kì bởi chúng sợ đụng đầu với quân Thanh. Vả lại, cần chiếm Nam Kì để làm bàn đạp đánh chiếm Cao Mên và Lào. Mên, Lào dẫu sao cũng dễ nuốt hơn Vân Nam, Lưỡng Quảng. Nam Kì lại màu mỡ, giàu có hơn Bắc Kì. Chiếm được vựa thóc Nam Kì sẽ giam đói được Trung Kì và Bắc Kì. Âm mưu của chúng là thế đấy!
Suốt ngày đêm, Nguyễn Văn Tường suy nghĩ về mưu kế của bọn xâm lược da trắng. Có những điều trước đó chỉ mới là trực cảm trong nhận thức ông.
Nhưng rồi phải trút hết tâm lực của mình theo lệnh vua: phòng thủ kinh đô!
Vũ Văn Thục được tăng cường về làm tuyên phủ sứ, Nguyễn Tán làm lãnh binh đạo Quảng Trị. Hai cửa biển Việt Yên, Tùng Luật được tăng cường lính hải phòng (45). Nguyễn Văn Tường tập hợp các tổng lí, tri châu, già làng để thông báo: Triều đình cho bảy nghìn bảy trăm sáu mươi (7.760) nhân khẩu đồng bào Thượng thuộc chín châu tại huyện nhà được hoãn thuế năm (5) năm nữa (46). Ông nói rõ với đồng bào, thời điểm chiến tranh này, các nơi đều phải tăng các khoản nộp ngoài thuế nhằm phục vụ quân nhu, riêng đồng bào thiểu số huyện nhà chúng ta lại được ưu đãi đó.
Sau cuộc họp dân, tin chiến sự lại ập đến: Bọn Phú và Y lại đánh phá Thạch Than, tại Đà Nẵng (47)! Chúng mở ra ba mặt trận: Trung, Bắc và Nam! Vẫn mưu kế ấy! Triều đình lại buộc phải trấn áp bọn “tả đạo” ở Gia Định, và lần này trấn áp mạnh, bởi chúng ra mặt cậy thế giặc Phú, Y để lên mặt với quan lại và dân lương, một khi thành luỹ kiên cố vào hạng nhất của nước ta là Gia Định đã thất thủ (48).
Thành Gia Định thất thủ gây chấn động cả nước. Triều đình mở rộng các cuộc đình nghị với các tập tâu của các đình thần, các thần, nha thần: Chiến? Hoà? Thủ?
Chiến? Hoà? Thủ? Có ba loại ý kiến dâng tâu. Nguyễn Văn Tường sung sướng khi nghe tin bạn ông, Nguyễn Đăng Điều, con rể của cụ thượng thư Bộ Binh Trương Đăng Quế, kiên quyết giữ ý kiến chiến và thủ, trong khi đó nhiều quan lại lừng chừng, hoà và thủ. Vua Tự Đức phải nói: “Các ngươi biết việc đánh, việc giữ là khó, mà không biết việc hoà lại càng khó hơn” , bởi hoà, thực chất là phải nhân nhượng một số điều khoản có lợi cho giặc, như mở cửa biển cho chúng buôn bán thu lợi, lại cho chúng tâm công vào dân ta bằng cách truyền bá “tả đạo”… Nhà vua cũng không dứt khoát điều gì, đến nỗi Bùi Quỹ mới từ Bắc công cán về, thấy như thể kẻ cầm dầm, người cầm chèo, trái khoáy, ngược chiều nhau trước vận nước, phải tâu lên: Xin nhà vua quyết đoán (49) .
Trong lúc Quảng Trị đang lo mua đá núi, gỗ cây cho việc đào sông, phòng thủ (50) dưới sự chỉ đạo của quan quản đạo và của phủ doãn Phan Đình Tuyển, trong lúc nhân dân Quảng Trị lập kho nghĩa thương chẩn cấp hộ điêu háo, lo lạc quyên gạo, chở vào mặt trận Quảng Nam phục vụ chiến sĩ (51), trong lúc tri huyện Thành Hoá Nguyễn Văn Tường khéo léo thuyết phục trưởng bang châu Tá Bang Lĩnh Tuấn tiến dâng một thớt voi trận và chiêu tập đồng bào thiểu số tốt (52), thuyền chiến Tây dương lại đốt năm chiếc thuyền vận tải của triều đình và ba chiếc thuyền buôn của dân ta ngoài biển Quảng Trị, Quảng Bình (53)!
Quan tri huyện Nguyễn Văn Tường rất xúc động khi nghe tin Trần Đình Túc đã từ Phú Yên ra mặt trận Quảng Nam với quân hàm, trong tháng chín Kỉ mùi (1859) này (54). Vậy là ở mặt trận Nam Kì, có tri phủ Định Tường Trần Xuân Hoà (55), có cả tuần vũ Biên Hoà Nguyễn Đức Hoan (56). Đó là ba người đồng hương Quảng Trị đang đứng trên các vị trí chiến đấu. Nếu nghĩ rằng sự luận bàn phương lược ở triều đình vừa rồi cũng là một cuộc chiến đấu trên lĩnh vực lí luận chỉ đạo, thì Quảng Trị của Nguyễn Văn Tường có một Nguyễn Đăng Điều (57). Tri huyện tán lí Bộ Binh Nguyễn Văn Tường những mong ba người bạn của anh và tiến sĩ Nguyễn Đức Hoan sẽ đóng góp sức mình cho Tổ quốc một cách thật trí tuệ, hào tráng. Và Hoàng Hữu Xứng nữa, người đồng hương đỗ cử nhân sau ông một khoa, nghe đâu cũng đang là một huấn đạo được vua Tự Đức cho quyền nhiếp tri huyện, điều động binh thứ, mặc dù được bổ nhiệm làm nhà giáo chỉ mới bốn tháng (58)…
5
Tháng giêng ở huyện miền núi Thành Hoá vẫn còn mưa bay, lạnh buốt. Sang tháng hai, cây cỏ mới thực sự phơi phới trong nắng xuân. Đất trời có tình hay vô tình, không rõ lắm, nhưng cái nắng tươi tắn, non tơ giúp cho Thành Hoá tỉnh táo lại sau những ngày tháng căng thẳng vì đao binh trên Đất nước.
Tri huyện Nguyễn Văn Tường, cùng với hai vị quan từ kinh đô ra xứ này công cán, bước trên lối nhỏ chạy men theo phía trong thành luỹ. Một người là bạn cùng làng, Nguyễn Đăng Điều, hiện đảm nhiệm một nha, trực thuộc một bộ trong lục bộ, sung làm chức năng khâm phái. Một người khác, Nguyễn Túc Trưng (59), hồi còn là giám sát ngự sử tả kì, đã khiến tham tri Phạm Khôi, nguyên tuần vũ Trị – Bình, cũng phải một phen bị ông tâu hặc, phải chịu phạt bổng đến sáu tháng do vợ bìu con ríu trong lúc cùng ông ra hữu kì phía Bắc thăm xét tình cảnh dân bị lũ. Người nổi tiếng là ngôn quan dám nói thẳng ấy cũng đã từng viết sớ can vua Tự Đức không nên sửa chữa hành cung lúc nhân dân khốn khó, tai biến xảy ra luôn, lại khuyên vua cần đổi mới nếp đế vương, nên kiệm ước trong mọi sinh hoạt, và đã được vua khen. Đó là một người Nam Kì, quê ở Hắc Lăng, huyện Phước Yên, đỗ cử nhân thời Thiệu Trị, năm thứ ba, tại trường thi Gia Định. Bây giờ ông đã sắp chuyển qua làm thự phủ thừa kinh sư.
Không biết đang liên tưởng điều gì, Nguyễn Túc Trưng mỉm cười:
- Quan huyện có biết vì sao mình đổi tên từ Nguyễn Văn Hưng thành Nguyễn Túc Trưng không?
- Có lẽ trùng tên với quan lớn Nguyễn Văn Hưng thời tiên đế Thiệu Trị? – Nguyễn Văn Tường cũng mỉm cười, nhớ lại chuyện cũ năm mười tám tuổi –.
- Vậy là ông nhớ rõ rồi! Thời gian cũng nhanh thật!… À, vậy là quan huyện cũng đã bảy, tám năm nhậm chức ở đây?
- Vâng, đúng vậy.
- Tuyên phủ sứ Vũ Văn Thục làm việc tốt chứ? – Khâm phái Nguyễn Đăng Điều khẽ hỏi –. Trước đây, ông ta có tâu xin rút quân Định biên Quảng Trị vốn đã được điều động vào đóng tại kinh đô ra lại, để trấn giữ Bảo Đài (giáp Quảng Bình). Mặc dù đồn ấy không quan yếu, nhưng vua cũng chuẩn cho (60). Quan yếu bậc nhất vẫn là đồn bảo Ải Lao… Phải ra sức chú ý tăng cường ở Ải Lao…
- Vũ Văn Thục cần mẫn… Quan yếu nhất vẫn là lòng dân. “Việc nước cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. – Quan tri huyện Nguyễn Văn Tường đáp –. Cụ Nguyễn Trãi bảo thật chí lí. Việc nước, cốt yếu là phải lấy dân làm gốc, dân vi bản. Việc quân, cũng thế, đồng thời, trước hết phải trừ tham quan ô lại bạo ngược… Đó là cách phòng thủ tốt nhất. Lâu nay, tôi vẫn xem đó là tôn chỉ của huyện.
- Vừa đi, ta vừa đàm luận với nhau về “tả đạo” ở huyện nhà nhé! – Khâm phái Nguyễn Túc Trưng nói –. Tháng chạp năm kia, Kỉ mùi (1859), sau khi ban bố đạo dụ cấm quan lại theo đạo Gia Tô (61), Quảng Trị ta là nơi không có vấn đề gì trong quan chức… Nhưng, khi ban hành các sắc dụ cấm dân theo “tả đạo”, dân tình ở huyện nhà thì thế nào?
Chậm rãi bước như ba người đang bách bộ ngắm cảnh, họ cùng đang nghĩ ngợi. Quan huyện Nguyễn Văn Tường cười:
- Quan khâm phái hỏi ở dân, chắc họ cũng trả lời như tôi: Huyện tôi cũng có vài chục hộ như ở xã Ngọc Đường, tỉnh Hưng Yên ngoài Bắc, đã tự nguyện tu sửa lại đình làng, nhà thờ tộc, thắp hương khấn niệm trời đất, ông bà tổ tiên, không lặn lội đi nhà thờ Chúa nữa (62)… – Quan huyện lại hỏi –. Hình như các khoa đạo có phát hiện ra quan lại lén lút theo “tả đạo”?
- Có đấy! – Khâm phái Nguyễn Đăng Điều gật đầu trả lời –. Tất nhiên, những kẻ ấy đã bị trị tội. Đây là đợt thanh lọc hàng ngũ quan chức. Tình hình Đất nước rất căng thẳng. Bọn Phú và Y liên minh với nhau, quyết đánh ta phen này. Không ngờ thành Gia Định binh lực hùng hậu đến thế cũng thất thủ rất nhanh! Ông Nguyễn Văn Tường chắc đã nghe tin, kinh lược sứ sung tổng thống quân thứ Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, ngay trong trận đại đồn Chí Hoà tỉnh Gia Định (25.02.1861) (63)? Thật là tin sét đánh ngang tai! Đức vua sửng sốt, gầy rạc người.
Quan huyện Nguyễn Văn Tường lặng người, không biết nên nói gì. Một lúc lâu, ông khẽ nói:
- Xưa nay, ai cũng tin cậy vào quan kinh lược họ Nguyễn. Đó là một danh tướng lừng lẫy chiến trường ở nước Miên. Nhưng với bọn bạch tạng Phú, Y này… Đối phó với súng thép, tàu đồng của chúng, quả thật, ta không dụng kế là không đánh nổi.
- Thật đúng ý mình! Đồn luỹ kiên cố cũng bó tay! – Khâm phái Nguyễn Đăng Điều chỉ vào thành đất cao hơn sáu trượng, dày hơn một trượng bên cạnh lối đi –. Thành này làm sao sánh với thành Gia Định, đại đồn Chí Hoà. Một phần mười, một phần hai mươi! Muốn đánh chúng, phải dụ chúng vào sâu trong sông, trong đất liền rồi mới cận chiến. Phục kích, cận chiến, là cách loại bỏ súng trường, súng liên thanh, súng đại bác có sức công phá mạnh của chúng. Phải giáp lá cà, súng ngắn của chúng không kịp trở tay. Phải thanh dã kế, vườn không nhà trống. Thế mà có nhiều người vẫn bàn hoà! – Nguyễn Đăng Điều cười khẩy –. Hòa trong thế bại là hàng, ít ra cũng nhân nhượng đến mức không chịu nổi.
- Phục kích, cận chiến, ta không thể thua chúng, đồng ý. Cũng đồng ý không cậy đồn luỹ, phải thực hiện kế thanh dã, vườn không nhà trống. Tuy nhiên, về lâu về dài, ta cũng phải súng thép, tàu đồng như chúng. – Quan huyện Nguyễn Văn Tường nói –. Đoản binh, trường trận đều phải tính đủ!
Khâm phái Nguyễn Túc Trưng gật gù, một thoáng lại cau mày:
- Quan huyện chắc chưa rõ, bọn Phú và Y đã đỗ thuyền chiến ở Ngao Châu, có lẽ chúng sắp đánh Vĩnh Long! Thế mà tháng giêng ta năm ngoái, thống soái Va Du (Page) đưa “hoà” ước mười một điều đến quân thứ Gia Định (64)! Bọn giặc bạch tạng này muốn đánh nữa để bức ép triều đình phải kí! – Ngừng lại, ngẫm nghĩ, ông cảm khái –. Mình là người Nam Kì, không thể ngồi yên ở kinh đô được! Mình đã làm sớ tình nguyện xin đức vua cho mình vào quân thứ Nam Kì sống mái với chúng một phen. Tiến sĩ, hồng lô tự khanh, biện lí Bộ Binh Đỗ Thúc Tĩnh, người Hoà Vang, Quảng Nam, cũng tình nguyện như mình… Nhưng các ông không đi được đâu. Không ai thay các ông được! Mình rành từng mô đất, lòng sông quê mình, cũng như các ông rành rõi từng ngọn núi, bờ nương xứ kinh sư này. – Ông ngừng lại, nén tiếng thở dài, bức bối –. Ồ, bọn giặc Hồi cờ trắng tràn qua cướp phá Bảo Thắng, Thuỷ Vĩ ngoài Hưng Hoá (65), bọn Cao Mên phản loạn qua đóng đồn ở Chu Ức, Trà Bông trong Gia Định (66)! Đủ thứ giặc! Tình hình gay go lắm, kể cả lương thực.
Ba người vẫn bước theo con đường men theo thành luỹ. Vừa bàn luận, chuyện trò, hai khâm phái triều đình vừa quan sát hệ thống phòng thủ của Thành Hoá. Nắng đã lên khá cao trong không khí dịu mát miền núi.
Lát sau, họ về đến công đường huyện.
6
Cũng thật không ngờ, tiếp sau đó một tuần trăng, tri huyện Nguyễn Văn Tường đau xót trong niềm bi tráng khi hay tin tri phủ kiêm binh bị Định Tường Trần Xuân Hoà bị giặc Phú bắt được, tra khảo. Chúng tra tấn phục thù người đã có sáu lần đánh tan tác bọn chúng và ma tà. Ông không chịu nhục, đã cắn lưỡi tự sát. Trần Xuân Hoà tử tiết, thành Định Tường cũng thất thủ (12.04.1861) (67)!
Nguyễn Bá Nghi thay Nguyễn Tri Phương lại chỉ chuyên bàn “hoà”: “Sự thế Nam Kì, duy việc giảng hoà là có thể làm được. Nếu không thế sẽ có việc lo ngại khác”; “Thực ra, tôi thấy sự thể, đánh và giữ đều không làm được. Không hoà thì không định được cục diện […]. Trừ một cách ấy [cách hoà] ra, tôi đành chịu tội” (68) . Chống lại sự bạc nhược ấy, phó quản cơ Gia Định là Trương Định nhất quyết mộ binh dũng, chiến đấu chống giặc Phú và Y đến cùng (69). Thự tuần vũ Đỗ Quang tâu lên vua. Vua Tự Đức phong Trương Định làm quản cơ, rồi lãnh binh. Tri phủ Phước Tuy Nguyễn Thành Ý, tuỳ phái Phan Trung cũng nhiệt thành hưởng ứng. Binh lính mộ nghĩa Nam Kì lên đến hàng vạn. Thật hào tráng. Nhưng, buồn thay, ở ngoài Bắc, tên Pierre Tạ Văn Phụng, vốn được các cố đạo Tây đưa sang Pénang (Mã Lai) đào tạo, trước đây đem về đánh ở Đà Nẵng, nay dưới sự cố vấn của quân sư Charles Duval (70), đạo trưởng Trường (Legrand de la Liraye), vào tháng mười hai, năm Tự Đức thứ mười bốn (1961 – 1962), nổi lên đánh phá với danh nghĩa con cháu vua Lê (71). Trong lúc đó, thành Biên Hoà đã thất thủ, bị giặc chiếm cứ từ tháng mười một (18.12.1861) (72)!
Đầu năm Nhâm tuất, năm Tự Đức thứ mười lăm (1862), Nguyễn Văn Tường lại nghe một lúc hai tin về đồng liêu và đồng hương: Tháng mười âm lịch (1861), Hoàng Hữu Xứng được khen thưởng, vì tiêu diệt thành công bọn cố đạo Tây xúi “dữu dân” Tuy Viễn (Bình Định) quấy phá hậu phương; tháng ba âm lịch năm nay, huấn đạo Xứng sẽ được thăng tri huyện Hà Đông (Tam Kì, Quảng Nam). Tháng giêng (1862), tuần vũ Biên Hoà Nguyễn Đức Hoan, người đã cùng Nguyễn Thế Trị (làng Hương Liễu) làm rạng danh đại khoa cho Quảng Trị, đã bị cách chức, về quê với nguyên tịch (không bị tước học vị tiến sĩ), vì Biên Hoà thất thủ (18.12.1861), Bà Rịa bị giặc chiếm (07.01.1862), không tập hợp được sĩ dân (73)!
Và lại những tin tức phấn chấn tiếp theo tin đau lòng lại ập về kinh sư, thông tư ra Quảng Trị!
Gần đúng một năm từ ngày hai khâm phái Nguyễn Đăng Điều, Nguyễn Túc Trưng ra Thành Hoá kinh lí, trận Nhật Tảo (74) ở Nam Kì gây rúng động quân Phú và Y.
“Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”
Lửa hồng Nhật Tảo lừng trời đất
Gươm trắng Kiên Giang rúng quỷ thần!
Nhưng, chẳng bao ngày sau, thành Vĩnh Long thất thủ (23.03.1862) (75)!
Và đau đớn thay, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp đã nhanh chóng kí “hoà” ước Nhâm tuất vào đầu tháng năm (09.05 âm lịch, 05.06.1862) (76), trong niềm phẫn uất của sĩ dân Nam Kì:
“Phan, Lâm mại quốc
Triều đình khí dân”
Phan, Lâm bán nước
Triều đình bỏ dân!
trong lời than thống thiết của vua Tự Đức: “Thương thay con đỏ của triều đình, nào có tội gì! Rất đau lòng! Hai viên này không những là người có tội của bản triều, mà là người có tội của nghìn muôn đời vậy!” (77) .
Chẳng lẽ nhà vua, đình thần và các quan không chịu trách nhiệm gì sao? Phải chăng bọn “tả đạo” người Việt không phải là người Việt nữa? Nhà vua dùng người sai lầm như về sau đã từng tự trách (78)? Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp, hai người nhân dân đã nguyền rủa ấy, thường khi họ luôn tự răn lòng: “nhất thịnh phạn, bất vong cố quốc” (mỗi bữa cơm ngon, không quên nước cũ). Trách họ ư? Trách ta ư? Những người ấy nào đã sâu nặng gì với Tổ quốc này, non sông đất nước này? Họ đã kí những gì với giặc, để hi vọng sau khi kí xong, “có thể ngồi mà trông thấy giàu mạnh” (79) ? Thật lòng, Nguyễn Văn Tường không dám và không nỡ trách ai, nhưng không phải không nghĩ rằng lời nguyền rủa ấy là không thể không đúng (?)…
1. Phú và Y được tự do truyền “tả đạo”.
2. Mất hẳn cho giặc Phú ba tỉnh Gia Định, Biên Hoà, Định Tường và đảo Côn Lôn; thuyền chúng được tự do ra vào trên sông Mê Kông.
3. Muốn giao thiệp hoặc nhượng đất cho nước nào, phải được giặc Phú thuận cho.
4. Mở ba cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên cho Phú và Y vào buôn bán.
5. Phải nộp cái gọi là “bồi thường chiến phí” cho Phú và Y 4.000.000 nguyên; chia ra mỗi năm giao nộp 400.000. Mỗi nguyên (đô-la) là 0,72 lạng bạc ròng.
6. Phú sẽ trả lại Vĩnh Long khi triều đình nước ta rút hết quân thám báo, nhưng chúng vẫn đóng quân ở tỉnh lị.
Không còn gì đau đớn, xót xa, tủi nhục hơn!
Ngay trong những ngày chuẩn bị kí “hoà” ước, lãnh binh quan Nguyễn Tán đã vào kinh, với chức vụ chưởng vệ, quyền chưởng doanh Hùng Nhuệ, bảo vệ kinh thành (80). Tôn Thất Đính mấy năm trời vào Nam Kì quyết tâm đánh giặc, cũng phải chuẩn bị về kinh đô thay Nguyễn Sơn làm đề đốc kinh thành (81), để lo trấn giữ lòng dân phẫn uất! Ông đang rơi vào bi kịch…
Tri huyện Thành Hoá mang quân hàm tán lí quân vụ Nguyễn Văn Tường cũng rời vùng đất xung yếu ấy, sau thời gian suốt chín năm hơn bảo vệ sinh điểm (cũng gọi là huyệt đạo tử vong) của kinh đô và của cả nước, để vào kinh giữ chức viên ngoại lang Bộ Binh (tòng tứ phẩm). Chẳng bao lâu, ông lại vào Quảng Nam làm án sát sứ, không kịp về quê hương Quảng Trị dự lễ khởi công xây đền thờ người anh hùng trung nghĩa Trần Xuân Hoà, theo sắc dụ của vua Tự Đức (82).
Nguyễn Văn Tường rời huyện miền núi Thành Hoá trong niềm đau về vận nước, trong nỗi ngậm ngùi xa biệt một nơi đã trở thành quê hương thứ hai của ông, nơi đã cho ông bao kỉ niệm thời thơ ấu và những tháng năm cường tráng nhất của đời người. Trong tâm hồn thơ ca của tri huyện Nguyễn Văn Tường mãi sừng sững ngọn núi Tá Linh (Voi Phục), vọng sơn của tỉnh, mãi thơm ngát hương hoa mai vàng và trắng trên núi Mai Lĩnh, núi Mai Đàn, mãi in dấu động Tam Thai với hình tượng “chúa ngồi tôi đứng”, mãi mãi lưu giữ bao giờ khắc ông suy tư bên đầu nguồn sông Hiếu chảy về đông, biển Thái Bình, bên đầu nguồn sông Cam chảy về tây, sông Khung (Mê Kông) (83). Nhưng trên tất cả, đó là sự chan hoà, sum vầy, đông vui ngày càng thêm của ngót tám ngàn đồng bào Thượng bên cạnh những xóm làng trù phú của đồng bào Kinh, trên vùng đất Cam Lộ, Hướng Hoá, Đắc Krông, được gọi chung là Thành Hoá thân thương trong trái tim ông.
Hơn chín năm, một huyện miền núi ấy!
Viết đến dòng chữ này lúc 11 giờ kém 13 phút,
ngày 27. 08. 2002
(mười chín tháng bảy Nhâm ngọ,
năm thứ hai công nguyên Hoà Bình).
TRẦN XUÂN AN
(29) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 424.
(30) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 456.
(31) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 466.
(32) Dương Kinh Quốc, Việt Nam, những sự kiện lịch sử (VN., NSKLS.), tập 1, Nxb. KHXH., 1981, tr. 27.
(33) NĐNĐDVP.&TH., sđd., tr. 71.
(34) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 472.
(35) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 454.
(36) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 455.
(37) Gia phả, sđd.; xem thêm: Lê Tiến Công, “Niên biểu Nguyễn Văn Tường”, trong tập Các báo cáo khoa học (CBCKH.), Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế, 02.07.2002., tr. 141.
(38) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 464, 459, 466, 468, 473…
(39) ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 187.
(40) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 473.
(41) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 470.
(42) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 9, 11.
(43) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 12.
(44) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 12 – 13.
(45) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 17.
(46) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 19.
(47) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 25 – 26.
(48) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 35.
(49) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 37 – 41.
(50) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 42 – 45.
(51) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 74.
(52) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 48.
(53) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 57.
(54) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 71.
(55) ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 399.
(56) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 11.
(57) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 39.
(58) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 245, 293 – 294.
(59) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 252, 366; tập 29, sđd., tr. 203. Xem thêm: Quốc triều hương khoa lục (QTHKL.), sđd., tr. 245 – 246.
(60) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 80 – 81.
(61) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 91.
(62) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 438.
(63) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 184.
(64) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 99.
(65) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 167.
(66) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 119.
(67) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr.197.
(68) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 208 – 213, 226 – 228.
(69) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 239.
(70) NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 250 – 251.
(71) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 263 – 264.
(72) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 255 – 256.
(73) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 279 – 280.
(74) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 283 – 284.
(75) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 286 – 289.
(76) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 297 – 305.
(77) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 302.
(78) ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 270.
(79) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 322.
(80) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 296.
(81) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 346.
(82) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 318 – 319.
(83) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 318 – 319.
TXA.
Hết phân đoạn 2
trọn
truyện kí thứ ba
XIN XEM TIẾP TỆP 6
truyện kí thứ tư
(phần 1)
& CÁC TỆP KẾ TIẾP THUỘC TẬP I
(gồm 16 tệp), TẬP II (cũng gồm 16 tệp)...
trên TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM
theo những đường LINKs trên trang này.