TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap I A)

Monday, December 12, 2005

Tệp 2 - Tập I
Truyện kí thứ nhất

Đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky1.htm



PHẦN THỨ NHẤT
(1824 – 1853)


TRẦN XUÂN AN

QUỐC TÍNH
VÀ NGƯỜI HỌC TRÒ TỘI ĐỒ
KHÔNG CHỊU ĐỔI TÊN


Truyện kí thứ nhất


1

Người thanh niên bước chậm rãi trong ánh nắng chiều hôm, nghe gió sông thổi mát rượi, khô dần những hạt nước trên gương mặt trắng trẻo nay đã rám nắng. Vừa đi men vệ cỏ, anh vừa lau lại một lần nữa mái tóc xoã xuống ngang ngực. Anh mỉm cười, tự nhủ, tắt nắng đến nơi rồi, ai có nhìn thấy cũng biết mình mới tắm sông xong, tóc chưa kịp chải và bối lại. Chợt anh muốn bật cười to một mình: Thân tù tội mà, còn đâu nữa thời mặt trắng học trò!
Lên đến giữa bãi bờ sông rộng, anh đứng lại cạnh quang gióng, một đầu là cỏ ống xanh, một đầu là bó rơm vàng, buộc vào đó là chiếc liềm và dăm đốt mía. Anh cúi xuống, kê vai gánh, bước nhanh về phía trại tượng binh. Anh lại mỉm cười nhớ lại mẩu chuyện trò với chú nhỏ, hầu trai của bạn đồng khoa, lúc anh cắm cúi cắt cỏ cho voi, rồi lan man ngẫm nghĩ. Anh bạn ấy đi thi, cũng sung sướng thật, có người theo hầu lo lều chõng cho. Nay vợ cần nắm rơm lót ổ gà, cũng người tớ ấy lặn lội về quê mang lên. Khi chú nhỏ hầu tớ ấy gánh rơm qua chỗ anh cắt cỏ, rồi mải ham chuyện, khiến anh muộn mất, sau đó phải san cho anh một đầu gánh và mấy đốt mía! Rơm lót ổ gà ở phố, cần chi nhiều! Chả là ôm một mớ thì xót, gánh quá ít ỏi lại khó coi.
Anh bước nhanh đến chuồng voi, chợt giật mình khi trông thấy suất đội tượng binh. Ông nghiêm mặt:
- Tường! Sao về muộn rứa? Không cách răng mà không phạt chú mi được!
- Dạ… Tắm sông, luôn tiện giặt cái áo, vắt trên nhánh cây, không may bị rớt xuống, phải lặn mò… – Tường hơi ấp úng –.
- “Quân luật như sơn”! Luật quân binh vững như núi! Chú là tú tài tân khoa, cho dù bị truất, bị tù, thì chữ nghĩa vẫn không suy suyển, hao hụt chi, chú thừa hiểu. Mười trượng!
Nói xong, ông suất đội bước về trại. Được dăm bước, ông ta quay ngoắt lại, ném lui mấy tiếng cộc lốc:
- Tối nay, giờ điểm binh!
Tường cúi đầu sau tiếng dạ.

2

Tường không dám ăn no. Anh lùa vội hai chén cơm trong nỗi hồi hộp, với cảm giác tủi nhục khô đắng cả miệng.
Trong ánh sáng của bốn ngọn đuốc bập bùng cháy sáng, viên suất đội đứng nghe quân lính, kể cả mấy tên tù sung quân trong cơ điểm danh.
Tường đứng sững khi nghe một viên lính gọi đúng tên anh, lần này không phải kiểm tra quân số nữa:
- Nguyễn Văn Tường, tù sung quân!
- Có mặt!
- Lên nhận phạt!
Tường lặng lẽ bước lên, gần nơi viên suất đội đứng.
- Nằm xuống!
Hai viên lính trói hai cổ tay, hai cổ chân Tường vào bốn chiếc nọc đóng sâu vào đất. Anh úp mặt xuống những ngọn cỏ úa cuối tháng tám mặt trăng, nghe nồng mùi nắng. Anh nhắm mắt lại. Cắn chặt hai hàm răng sẵn sàng chịu đựng, Tường nghe thấy bằng đôi tai tiếng hai viên lính chia ra đứng hai bên anh, trong tay họ mỗi người một cây trượng dài.
Tiếng viên suất đội:
- Nguyễn Văn Tường! Phải phạt chú mi để giữ nghiêm quân luật! Từ nay về sau, không được muộn giờ, trễ giấc! Lệnh đã phát là mười trượng, nhưng ta lượng tình chú mi là tú tài tân khoa, mặc dù bị truất và bị tội đồ, ta giảm cho bốn trượng, còn sáu. Hãy nhớ là nhà võ chúng ta đây cũng quý mến bút nghiên bên văn! Thi hành!
Tường oằn người dưới hai chiếc trượng. Cắn chặt răng, môi anh muốn bật máu. Mười tám tuổi, lần đầu tiên trong đời học trò, anh bị phạt trượng và tủi nhục đến thế.
Bốn sợi dây thừng được tháo lỏng.
- Đứng dậy!
Tường thấy mình vẫn còn đủ sức đứng dậy. Anh hơi lảo đảo trong ánh đuốc bập bùng, thầm hiểu sáu trượng chưa đến nỗi lịm người.
- Bẩm, thi hành phạt xong! – Viên lính thưa –.
Tiếng viên suất đội:
- Về vị trí!
- Bẩm, dạ…
Tường liêu xiêu bước, khuất sau mấy hàng quân (1).
Đêm ấy, Tường thiếp đi trong đau nhức. Vầng trán sáng láng của anh hằn lên những vết nứt của chiếc gối gỗ thường dùng để kê đầu phía gáy.

3

Sáng hôm sau, Nguyễn Văn Tường, người học trò bị án tội đồ một năm ấy, vẫn phải đặt quang gánh lên vai với chiếc liềm cắt cỏ bước ra bờ sông. Anh phải làm nhiệm vụ người lính chăn voi trong kỉ luật nghiêm khắc. Anh đau nhức đến ê ẩm cả người. Anh càng thấm thía chút ngông cuồng tuổi trẻ anh đã trót phạm. Nếu Tường không ngông cuồng, giờ đây hẳn anh đã được cha mẹ, bà con và thầy bạn chúc mừng học vị tú tài tân khoa anh đạt được, dẫu tú tài chưa phải là ước nguyện của một chàng trai biết nuôi cao vọng, hoài bão lớn của kẻ sĩ như anh.
Tường phải ráng sức chịu đựng.
Mãi đến hai hôm sau nữa, bạn cùng khoa thi hương của Tường mới biết chuyện và xin phép viên suất đội cho người hầu trai đến giúp anh.
Lúc này, Tường nằm trên vạt cỏ, chống tay vào cằm, nghe chú nhỏ hầu tớ hỏi:
- Bẩm cậu tú, vì răng tên họ cậu trùng với quốc tính, cậu lại không chịu đổi, để đến nỗi…
- Cậu tú?!? Cậu tú tài?!? – Tường bật cười ha hả, nhưng khoé mắt ươn ướt long lanh –.
- Dạ, có ra răng đi nữa, thì cũng là cậu tú. – Người tớ trai mới mười lăm tuổi nói với giọng điệu khâm phục –.
- Lẽ ra nhà mi phải gọi ta là cậu nghè, ít ra cũng cậu cử như cậu chủ nhà mi, nhưng tiếc thay, giờ gọi là cậu tú cũng phạm phép. Ta bị đức vua sai Bộ Lễ gạch tên trong sổ tú tài rồi, nhà mi thừa biết, răng cứ gọi sái phép rứa? – Tường cay đắng, buồn buồn bảo, và bật cười –. Gọi thằng tù thì đúng hơn!
- Dạ, không dám mô, cậu tú. – Người tớ trai bối rối –.
Nắng sớm chiếu mặt sông ngời sáng, và ngời sáng gương mặt khôi ngô, cương nghị của Tường. Người hầu trai tên Lúa bỗng dưng thấy thương kính cậu tú Tường lạ lùng.
- Nếu đã giúp mình, thì cắt cỏ đi. Lỡ đến trưa chưa đầy gánh, mình lại ốm đòn. – Tường khẽ bảo –.
- Dạ, bẩm cậu, lo chi. Con cắt chỉ một lúc là xong thôi. Nhưng… răng cậu không chịu đổi tên họ hở cậu? (2).
- Trùng với quốc tính, sao không chịu đổi à? Ừ, không chịu đổi là bởi không chịu đổi, miễn là ta không mạo hoàng tộc, chỉ có rứa thôi. Nếu mạo hoàng tộc, phải là Miên Tường, Hồng Tường, hay Ưng Tường, Bửu Tường chứ, hoặc ít ra cũng Tôn Thất Tường. Trong mấy năm Minh Mạng đầu tiên, tiên đế đã có dụ ban về việc này. Năm Minh Mạng thứ mười ba (1832), mặc cho năm trước tả quân Lê Văn Duyệt, quan lớn Nguyễn Văn Hưng tỏ ý không muốn đổi quốc tính Nguyễn Phúc thành Tôn Thất, tiên đế vẫn cứ ban dụ thi hành, buộc phải đổi. Cụ lớn Lê Văn Duyệt nói với đức vua ra sao, và quan lớn Nguyễn Văn Hưng trách Tôn Thất Dịch thế nào, nhà mi biết không? – Tường mỉm cười –.
- Dạ… Làm răng con biết !…
- Thật ra ta cũng không biết, nếu không được hầu cờ tướng cho quan lớn Trương Đăng Quế. Cụ thượng kể: Tả quân Lê Văn Duyệt thường nói với tiên đế Minh Mạng: “Nguyễn Phúc mà đổi là Tôn Thất, chẳng biết vì cớ gì?” (3) . Quan lớn họ Nguyễn bảo Tôn Thất Dịch, nhân ngày Tôn giỗ bố, nguyên văn thế này: “Anh là Nguyễn Phúc Dịch, nay [viết] văn tế lại xưng là Tôn Thất Dịch, e bố anh chẳng biết anh là ai đâu!” . Ấy là nói mỉa mai đó nghe. Đức Minh Mạng nghe được, giận lắm, mắng cả tả quân Lê Văn Duyệt lẫn quan lớn Nguyễn Văn Hưng: “Kiến thức lũ ấy quê mùa, hẹp hòi, lại thả lời càn bậy, thật đáng chê cười! […] Những kẻ nói năng càn bậy không đáng đếm xỉa [đến]!” (4) .
Lúa mở to mắt nghe cậu tú Tường chậm rãi thuật chuyện. Lúa cảm thấy đúng, đổi tên do cha mẹ xin keo âm dương trước bàn thờ gia tiên mà đặt, tội đã quá to, bằng quả đồi là ít, lại còn dám đổi cả tộc tính bao đời của một dòng họ, tội không thể nhỏ thua trái núi! Nghĩ vậy, nhưng Lúa nào dám thốt lời phạm thượng với tiên đế oai linh.
Tường cũng tự biết mình trót sa đà theo mạch chuyện, không khéo bị tai vách mạch giừng thì khốn. Anh im lặng. Một chốc, Tường nhìn Lúa:
- Thôi, nhớ nghe qua rồi bỏ, chớ học lại với ai, khốn thân chú mi lẫn ta đó. Thôi, cắt giúp cỏ đi, Lúa!
- Nhưng… Dạ, cậu tú, rứa là cậu không phải… hạt máu của đức vua Thiệu Trị? Thiên hạ đồn như rứa…
- Bậy! – Tường cười –. Làm chi có chuyện đó! Dòng họ ta là dân dã, chuyên cuốc bẫm cày sâu và đèn sách thôi. Tổ tiên ta mười lăm đời trước, quả thật, họ là Nguyễn Phúc, nhưng đến đời tổ tiên cách ta sáu đời đã phải đổi là Nguyễn Thế. Sở dĩ có sự thể đổi họ như rứa là vì tiên chúa Nguyễn Hoàng Gia Dụ hoàng đế đổi họ Nguyễn Hoằng của ngài thành Nguyễn Phúc (sau hai đời, đời cụ Nguyễn Kim và đời tiên chúa, phải bỏ chữ Hoằng) (5), và ngài lại ban dụ cho nhân gian, họ nào vốn là Nguyễn Phúc hay ai mang họ Nguyễn có lót chữ Phúc đều phải đổi chữ khác, để chỉ duy nhất họ của ngài là Nguyễn Phúc mà thôi. Rứa đó, biết chưa Lúa? Trước lúc tiên chúa Gia Dụ thái tổ hoàng đế ban dụ đổi họ Nguyễn Hoằng thành Nguyễn Phúc, trong nhân gian thiên hạ, có cả mươi họ Nguyễn Phúc, còn người họ Nguyễn có tên lót đệm chữ Phúc như Phúc Nhất, Phúc Nhị, Phúc Tam thì nhiều vô số, cho đến Phúc Vạn, Phúc Triệu!
- Dạ, cháu vẫn chưa hiểu vì răng… – Lúa thật thà ấp úng –.
- Bởi ta nói dài dòng cho nhà mi hiểu xa, hiểu rộng ra cái đã, mà chưa nói gọn, nói rõ! Thì thế này: Dòng họ ta vốn là Nguyễn Phúc dân dã, phần lớn chỉ cày ruộng và chuyên đèn sách, phải tuân chỉ dụ tiên chúa thái tổ Nguyễn Hoàng, đổi họ Nguyễn Phúc thành Nguyễn Thế; đến đời ông nội ta, nhân tiên đế Minh Mạng phân biệt trong dòng họ Nguyễn Phúc ra làm hoàng phái (dòng làm vua) và tông thất (các nhà trong họ, tức là cháu chắt các chúa Nguyễn), lại lược bỏ tộc tính Nguyễn Phúc, thì ông nội ta lại muốn phục hồi lại họ Nguyễn Phúc mười lăm đời phần lớn chỉ cày ruộng và chuyên đèn sách xưa kia. Do đó, ta là Nguyễn Phúc Tường. – Tường cảm thấy Lúa khó hiểu nổi, anh nói –. Ta cũng cần giải thích sự thay họ, lược họ, phép đặt tên của đức tiên đế Minh Mạng cho nhà mi rõ. Thứ nhất, ngài lược hai chữ Nguyễn Phúc, chỉ đặt tên theo đế hệ thi, “Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh…”, cho chi của ngài, lại đặt tên theo mười bài phiên hệ thi, “Tịnh Hoài Chiêm Viện Ái…”, cho mười chi gần thuộc hoàng phái. Thứ nhì, ngài cũng lược bớt hai chữ tộc tính Nguyễn Phúc, để nguyên hai chữ Tông Thất thay họ cho chi xa. Mục đích của việc ấy là để phân biệt trong nội bộ hoàng tộc (hoàng phái với tông thất), và phân biệt hoàng tộc với dân gian (6). – Tường cười mỉm –. Lúa nhớ nhé, ta là Nguyễn Phúc Tường, chứ đâu phải Tôn Thất Tường, càng chẳng phải Miên Tường, Hồng Tường, Ưng Tường, Bửu Tường, Tịnh Tường, Hoài Tường, Chiêm Tường… Khi mọi người trong hoàng tộc đã đổi họ đặt tên với hai chữ Tôn Thất hoặc với Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh… Tịnh, Hoài, Chiêm, Viện, Ái… thì dòng họ Nguyễn Thế nhà ta phục hồi lại họ Nguyễn Phúc trước ta mười lăm đời xưa kia, nên ta thành Nguyễn Phúc Tường, có sao đâu! Ngoài đức vua Thiệu Trị, ai bảo ta mạo họ nhà vua, mạo hoàng tộc nào! – Tường cười, nhỏ giọng lại –. Nghe rồi bỏ, chớ bép xép cái mồm với ai mà khốn cả Lúa lẫn ta đó! Còn đổi Nguyễn Phúc chi xa thành Tông Thất, đâu phải riêng tả quân Lê Văn Duyệt, quan lớn Nguyễn Văn Hưng không khỏi thắc mắc, mà nhiều hoàng thân, quan lại khác đến chừ còn ngầm phản đối đó nghe! Sự phản đối còn mạnh hơn khi đức Thiệu Trị lên ngôi. Ngài vốn có tên tự là Miên Tông, nên Bộ Lễ tâu xin đổi Tông nhân phủ làm Thân đài, Tông Thất thành Kinh Thất. Đức Thiệu Trị dụ rằng, chỉ đọc Tông thành Tôn, còn viết chữ Hán thì chỉ lược bớt một nét. Nhưng rồi chẳng hiểu sao những người Tôn Thất dần dần đổi luôn cả mặt chữ lẫn nghĩa: Tôn nguyên là Tông (lược nét, có nghĩa là dòng họ) thành Tôn trong từ đôi tôn quý (khác chữ, có nghĩa là cao sang). Từ đó, sự bất bình trong nhân gian và sự phản đối trong hoàng tộc, quan lại càng mạnh mẽ hơn, mặc dù ngấm ngầm. – Tường bật cười –. Chuyện xem ra là tiểu tiết, nhưng thật ra không phải không đại sự. – Tường trở thế nằm –. Rứa thì liên quan chi đến nhà ta! Chẳng qua, trong nhà ta, chỉ một ta tự dám bày tỏ ý tưởng không thích sự phân biệt, mất đoàn kết, thói hợm và rởm ấy. Trong đó, hệ trọng nhất là sự cách biệt với nhân dân. Kể ra ta cũng đa đoan, rước hoạ vào thân! Lẽ ra “phải phớt lờ chuyện nhỏ để đạt được cái lớn lao”! Nhưng… thật đáng tiếc… Ta cùng các quan muốn nhân chút ngoan cố vì chữ hiếu nhà ta, không chịu đổi tên họ trùng với quốc tính của ta để xới việc, nhằm giúp đức vua đương kim là hoàng đế Thiệu Trị nghĩ lại. Ai Tôn Thất, ai bần thất, ai Tôn Nữ, ai tiện nữ? Thật ra, các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê trước đây, mặc dù có gọi chung hoàng tộc là tôn thất, và cũng chỉ trong sách vở, chứ chưa triều nào đặt tên đổi họ thành… Hồng Nhất, Ưng Nhị, Tôn Thất Nhất, Tôn Thất Nhị cả, ví dụ như rứa! Hai chữ Tôn Thất tự xưng do kiêng huý phải đọc sái đi, nói trại đi, hay rõ ràng tự xưng là cao sang, nghe xa cách nhân dân, không gần gũi nhân dân tí nào! Lược bỏ họ lại là đại bất hiếu! Ta là kẻ sĩ, phải giữ đạo trung quân đồng nhất với đạo ái quốc, nên thầm lo cho sự thể xa dân, hợm danh tính, và bất hiếu như vậy. Trong đó, sự xa dân là hệ trọng nhất. Mười đời nhà ta, mặc dù là dân dã, cũng hưởng lộc ruộng nương, tấc đất chúa Nguyễn, ngọn rau nhà Nguyễn. Lũ học trò như ta cũng như các quan từ bố, án, huyện và học quan tỉnh Quảng Trị, đến các quan Bộ Lễ, đình thần, thảy đều âu lo cho sự cách biệt giữa hoàng tộc với bách tính nhân gian quá đáng, đến mức phải nói là, cần phải biết lo sợ mà báo động thế đó!
Cậu tú tài Nguyễn Văn Tường khẽ thở dài, trầm ngâm. Một lát, cậu giật mình, suýt kêu đau khi nhổm ngồi dậy trên đám cỏ ven sông. Sáu lằn trượng bầm tím còn sưng nhức.
- Cắt cỏ giúp ta đi thôi! Trưa rồi, Lúa!
- Dạ… – Nhìn nắng, Lúa cũng hơi giật mình –. Cũng trưa rồi, dạ, nhưng cậu đừng lo! Một chốc là đầy gánh thôi mà. Cậu cử tân khoa nhà con có gửi thuốc cho cậu tú đây.
Tường thật sự đã cảm thấy lo âu, vì nãy giờ, Lúa vẫn mải hỏi chuyện, chưa cắt được ngọn cỏ nào! Anh cảm động biết ơn người bạn quý tên Trần Đình Túc, người làng Hà Trung, huyện Địa Linh, Quảng Trị, dòng họ mấy đời thượng thư, thi với anh khoa này và đã đỗ cử nhân. Tường nhìn Lúa lấy từ bị cói ra cho anh một hủ sành hoàng khương ngâm rượu.
- Bẩm cậu tú, quan Nguyễn Đăng Điều (7) cũng biết chuyện rồi! – Lúa vừa cắt cỏ vừa thưa –.
- Lúc ta mới bị vào tù, còn bị giam trong nhà lao của Phủ Thừa Thiên, Điều đã tới thăm, xin cho ta về hầu cờ tướng cụ thượng thư Bộ Binh họ Trương.
- À, dạ, khi hồi cậu tú đã nói…

4

Hôm ấy, người làng (xã), cũng cùng họ Nguyễn (nhưng khác nhánh họ?), hiện làm rể của Trương Đăng Quế, vì nổi tiếng văn hay tuy mới đỗ tú tài, đến nhà lao xin cho Nguyễn Văn Tường về dinh hầu cờ. Chả là cụ thượng rất cao cờ, kẻ sĩ, quan lại chốn kinh đô đều bị cụ chiếu bí, khách thương người Hoa cập bến Bao Vinh cũng bái phục, rút lui. Cụ lại rất muốn so tài để luyện óc, động não. Bất chợt, cụ nghe con rể thưa:
- Bẩm cha, người thanh niên Nguyễn Phúc Tường bị đức vua bảo các quan gạch tên trong sổ tú tài, vì tên trùng quốc tính, hôm nọ, vốn người cùng làng An Cư của con. Tường cao cờ lắm. Con xin cha cho phép được đến Phủ xin cho Tường ra, về dinh hầu cha vài ván cờ.
- À, ta biết. Hôm đó ta cũng đã hỏi con thân thế của Tường. Văn chương đã hay, còn cao cờ nữa! Đất An Cư, Quảng Trị, làng con cũng lắm người tài! – Cụ thượng mỉm cười –. Được, xin cho nó về dinh ta một buổi.
Nguyễn Đăng Điều vội bưng nghiên mực, lọ bút lông và cuộn giấy hoa tiên đến, đặt trước mặt cha vợ. Anh mài mực, mong cụ cho vài chữ gửi hai quan phủ doãn và đề đốc kinh thành.
Tường đang bị cấm cố, nằm buồn xo trong ngục, chợt được ngồi xe tay về dinh cụ thượng, tể tướng triều đình!
Tắm rửa bằng nước sả thơm ngát, thay quần áo mới, đội khăn mới, mang đôi guốc mộc mới, Tường ngỡ như đi trong chuyện cổ tích!
Vào đại sảnh với Điều, Tường đan mười ngón tay xá chào cụ thượng họ Trương. Cụ phẩy tay, cho phép đứng hầu chuyện với cái mỉm cười! Không đợi Tường thưa, cụ chậm rãi nhìn chăm vào anh như dò xét, lại nói:
- Chuyện anh, ta hiểu. Lẽ ra còn phải ghi vào bản án sáu chữ “chung thân bất đắc ứng thí” nữa kia, nhưng đình thần đã hết lời xin đức vua gác lại, xem như án treo, nghĩa là chú mày còn hi vọng có ngày được xoá án “bất đắc ứng thí” đó. Đừng nản lòng! Cứ chuyên cần dồi mài kinh sử!
- Dạ, tạ ơn quan lớn.
- Anh đứng xa cột gỗ kia! – Bỗng dưng cụ thượng ôn tồn bảo –.
Nguyễn Văn Tường khẽ giật mình, làm theo lời cụ.
- Anh đi tới, đi lui mười bước!
Tường lại tuân lời trong nỗi ngạc nhiên.
- Được! Ngồi xuống đây, so cờ với ta chứ?
- Bẩm cụ, nếu cụ cho phép, và xin cụ chỉ giáo thêm.
Cụ thượng cười lớn, tỏ vẻ hài lòng.
Bàn cờ gỗ mun đen bóng, những con cờ ngà trắng, nét tiện khắc rất khéo đã được bưng ra. Và một bình trà ô long ngan ngát hương toả khói, sau đó được đặt bên cạnh.
- Mời chú mày đi trước!
- Dạ, xin phép cụ.
Một chốc, cụ thượng buột miệng:
- Khá lắm!
Lại một chốc:
- Không ngờ! Thật không ngờ chú mày đón được thế cờ này! – Cụ thượng Trương Đăng Quế nói, nhìn thẳng vào mặt Tường –.
Nhìn như thể săm soi chàng thanh niên đang ngồi trước mặt, cụ lại bảo:
- Thôi, ván đầu tiên, khỏi cần để phân thắng bại. Ta đã hiểu tài anh! Nhưng khoan vội tự mãn nhé! Này, Nguyễn Văn Tường, cái tên vừa rồi là do đức vua cải đổi cho anh! Văn Tường, nghĩa chữ là cái sáng, cái đẹp, cái tốt, hay là cái tốt lành lộ rõ ra bên ngoài cho thiên hạ biết. Hãy cẩn trọng ẩn nhẫn, hàm dưỡng cho sâu, cho bền, để cái sáng, cái đẹp, cái tốt tự nhiên nhi nhiên toả ra, giúp nước cứu đời! – Cụ thượng từ tốn nói –. Khoa Tân sửu (1841) năm ngoái, trường thi hương Thừa Thiên có một người ở xã Thanh Lương, huyện Hương Trà, đỗ cử nhân cũng tên là Nguyễn Văn Tường. Đức vua đã gợi ý cho để đổi là Nguyễn Luận (8).
Cụ cầm xe điếu bằng trúc. Một người hầu hiểu ý vội vê thuốc, châm đóm. Cụ rít một hơi rõ dài. Nước trong bình điếu như sôi lên. Cụ ngửa mặt, vuốt chòm râu bạc, từ từ nhả khói.
- Nguyễn Văn Tường, anh nghe đây! Bước đầu tiên trên đường khoa cử, anh không may, cũng tại cái tính tuổi trẻ hàm dưỡng chưa sâu lắng, vẫn còn bồng bột. Mọi sự các quan và ta đều hiểu, dẫu một loạt quan chức bị giáng, phạt bởi anh! Anh nhớ nhé, đây là sắc dụ đức vua ban, ta còn nhớ như in: “Từ xưa, thánh nhân đặt lễ: trên dưới có thứ bậc, dòng họ có phân biệt, đó là để nêu rõ sang, hèn, thân, sơ. Đức thái tổ Gia Dụ hoàng đế ta gây dựng nước nhà, lấy Nguyễn Phúc làm họ nhà vua. Khoảng năm Minh Mệnh có dụ nhắc lại: Phàm người không phải họ vua mà dưới họ của mình [[chữ Nguyễn]] mạo đặt chữ Phúc thì cho dùng chữ khác để thay. Quan, dân, trong, ngoài, ai cũng đều biết kính cẩn kiêng tránh. Văn Tường đã đi học, đi thi, không thể nói là không biết, sao còn mạo đội họ vua? Quan tỉnh Quảng Trị và học quan ở phủ, huyện sở tại xét hạch, thu quyển, cứ việc sắp xếp đưa đi; quan Quốc tử giám và quan trường lại không một người nào kiểm điểm nêu ra! Sao mà đui điếc cả một lũ đến thế! Bộ Lễ trước đây thu nhận danh sách cũng bỏ qua không biết. Tất cả đều là sơ sót! Giao cả cho [[Viện Đô sát]] nghị xử”. Xét án xong, ngài lại dụ: “…Thế mà nay có kẻ không biết gì kia, ngu dại lầm phạm, không thể không dụ bảo lại cho rõ để răn đe người sau…” (9) . Thế đấy! Nhưng đấy cũng là dịp để đức vua, hoàng tộc và đình thần, biên thần suy nghĩ lại. Anh ghé tai vào đây!
Nguyễn Văn Tường, kẻ đang lãnh án một năm tội đồ, bỗng hơi ngần ngại, sợ có gì lỗi phép với cụ thượng đầu triều.
- Dạ, kính vâng lệnh cụ.
- Này, nghe ta nói thầm nhưng rõ ràng: Để kính mong ngài xét lại hai chữ Tông Thất đã dần dần thành Tôn Thất cả âm lẫn chữ, cả chữ lẫn nghĩa, mà chỉ đặt tên theo đế hệ thi, phiên hệ thi, có thể với chi hệ thi nữa, để giữ hệ thống, và không lược bỏ tộc tính Nguyễn Phúc, phải đầy đủ cả họ lẫn tên như thiên hạ, chẳng hạn, Nguyễn Phúc Miên Nhất, Nguyễn Phúc Hồng Nhị, Nguyễn Phúc Bửu Tam, Nguyễn Phúc Cường Nhất, Nguyễn Phúc Lương Tứ… , nếu đàn bà, con gái thì thêm chữ Thị hoặc chữ Nữ, chẳng hạn, Nguyễn Phúc Nữ Hương Giang, như anh đã hiểu từ lâu (10). Và chuyện xảy ra trước hết là do tính ngông cuồng tuổi trẻ của anh, mà các quan và ta cũng đồng thuận, cũng chịu giáng, phạt như anh. – Cụ Trương Đăng Quế nói nhỏ vào tai Tường –. Khá khen chú mày!
Cụ thượng cùng chàng trai Nguyễn Văn Tường sửa lại thế ngồi.
- Thế là anh và hai bậc trên anh, ông nội và cha đẻ, đều phải đổi lại, không lót chữ Phúc là đã đành, cũng chẳng lót chữ Thế trước kia (11), mà phải lót chữ Văn!
- Dạ, bẩm cụ, con hiểu và tuân dụ từ hôm tuyên án kia ạ! Chỉ mong rằng đừng ai nghĩ xấu rằng gia đình con mạo nhận quốc tính (họ vua), cũng dám mong rằng đức vua sẽ nghĩ lại về sự cách biệt với dân bởi chữ Tôn do kiêng huý thành ra sái âm, dần dần biến đổi hẳn trong Tôn Thất, Tôn Nữ hiện nay, mà chỉ nên đổi là Phúc Thất và Phúc Nữ, chẳng hạn, Phúc Nữ Hương Giang thay vì Tôn Nữ Hương Giang… – Tường muốn nói thêm nhưng ngập ngừng –. Nhưng… kể ra cũng đa đoan quá! Nhưng nhân gian, và cả một số hoàng thân, kẻ sĩ, quan lại có chịu cho đâu!
- Anh cứ nói hẳn, phép đặt tên đôi mà lược họ là đại bất hiếu, vì thực sự đó là tên, chứ không phải là hiệu, và hình phạt hoàng thân cải tòng mẫu tính (đổi theo họ mẹ) là không nên, sẽ dẫn đến việc nhầm lẫn huyết thống về sau! Điều đó ta cũng tâu xin đức vua nghĩ lại rồi. Ngài không đến mức cứng rắn như tiên đế Minh Mạng.
- Bẩm, dạ không dám… – Tường biết kìm lại để giữ phận. Vả lại, anh thấy cũng đã được thấu đạt ẩn ý rồi –.
- Tốt, vậy là tốt! Nhân vui chuyện, ta chỉ nhắc lại để anh nhớ! Cũng nhớ là việc này trước đây đã có Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Hưng phản hồi và bây giờ có ta với các quan cùng một số hoàng thân đồng thuận với anh, nên đương kim hoàng thượng cũng nghĩ lại mà giảm cơn thịnh nộ.
Chiêu một ngụm nước trà, đặt chén xuống, cụ khẽ ngâm:
Tứ thập niên ngoại
Cư Cơ mật viện
Nhiếp hành đế vị
Tiến thoái lưỡng nan (12).

Ngâm xong, cụ thượng lặng im, như thể cụ cũng không ngờ chính cụ lại ngâm bài kệ ấy. Quả thật, chẳng hiểu sao, sau khi xem tướng Tường, đánh cờ với anh chưa cạn nước cờ, trao đổi với anh dăm lời, trong đầu cụ bỗng hiện lên bốn câu ấy như một lời tiên đoán!
Người thanh niên Nguyễn Văn Tường và cả chàng con rể Nguyễn Đăng Điều đều sững sờ. Tường không dám tạ ơn cụ, cũng không dám hỏi cụ, cụ muốn ngầm tiên đoán cho ai, hay là lời cụ tự vịnh.
Một lát sau, cơm nước xong, Điều tiễn chân Tường về lại nhà lao. Điều bảo Tường:
- Chẳng sao đâu. Nói phạm thượng một chút, Nguyễn Phúc hay Nguyễn Hoằng vẫn thế! Nguyễn Phúc Tường hay Nguyễn Văn Tường cũng vậy, tổ tiên ông bà đều nhận ra lời khấn niệm của con cháu. Mình đây là Nguyễn Văn Điều, lại thành Nguyễn Đăng Điều, cậu bé Trương Đăng Đễ (con trai cụ thượng, cha vợ mình), lại thành Trương Văn Đễ, có sao đâu! Cố lên, người đồng tộc, đồng hương!
Tường gật đầu:
- Thật là khéo đa đoan, chuốc hoạ vào thân!
Đan hai tay trước ngực, anh chào và cảm ơn Điều.
Ngồi trên xe tay của dinh thượng thư đầu triều, Tường nhớ lại và suy nghĩ những gì cụ Trương Đăng Quế, người Quảng Ngãi, đã bảo ban anh. Vừa ngẫm nghĩ, anh vừa áy náy, không dám nhìn người phu xe đang khom mình kéo, vội đưa tầm mắt nhìn phố phường kinh đô, ngựa xe xuôi ngược, kẻ bán người mua. Lúc này, tất cả quang cảnh ấy không khiến anh thấy có chút gì đáng để ý. Anh thầm đọc lại bốn câu của cụ Trương như thể lời kệ của thiền sư, và tự dịch ra văn Nôm:
Tuổi ngoài bốn mươi
Ở Viện Cơ mật
Nắm giúp quyền vua
Tiến, lùi, [hai đường] đều ngặt!

Đến cửa nhà lao Phủ Thừa Thiên, Tường xuống xe với bộ quần áo tù như lúc anh mới rời khỏi nơi đây. Anh nói khẽ với người phu xe:
- Ta đang cảnh tù tội, không biết thưởng cho ông cái gì đây!
- Dạ, bẩm, đây là xe dinh cụ thượng. Không dám nhận tiền thưởng, sợ bị lỗi…
- Ta biết, nhưng… Thôi, hẹn ông dịp khác.
- Dạ. Kính chào. – Người phu xe trạc ba mươi tuổi đan tay trước ngực –.
- Chào ông. – Anh đan tay đáp lễ –.
Tường bước vào nhà lao, bẩm báo với viên lính. Y gật đầu, chỉ vào chỗ viên quan văn ngồi trực. Trời đã nhoà màu hoàng hôn.
Lúc ấy, Nguyễn Đăng Điều cũng chuẩn bị để giảng sách cho mấy người em vợ. Trụ, Đễ và Đản vẫn như mọi buổi học, đều nghiêm túc trong áo the dài màu xanh, chít khăn xanh, đang ngồi mài mực. Cụ thượng Trương Đăng Quế ngồi trước án thư trầm ngâm nhìn ba đứa con trai và chàng rể tú tài hay chữ. Người cháu gọi cụ bằng chú, Trương Đăng Trinh, kì thi đình vừa rồi, đã đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, nhưng cụ biết chắc Trinh chẳng đóng góp được gì cho đời! (13). Cụ vẫn thích Điều hơn. Thật lòng, cụ vẫn thích nhất người có thực tài lại có học vị cao.
Cụ vuốt râu, ngẫm nghĩ về bốn câu vỏn vẹn chỉ mười sáu chữ, chính cụ đã thốt ra, lúc xem tướng mạo và cung cách, lại thử tâm tính Nguyễn Văn Tường qua ván cờ, qua vài lời trao đổi với người thanh niên ấy về sự cố chữ “Phúc” chấn động trường thi hương tháng bảy năm nay. Thật lòng, xưa nay, cụ chưa từng gặp một chàng trai nào khôi ngô, bản lĩnh và trong sáng đến vậy. Nhưng lạ thay, chàng trai trẻ ấy lại xuất thân trong một gia đình nông dân bình thường, không phải không nghèo khó, cho dẫu yêu thích việc đọc sách thánh hiền và thơ phú. Dòng dõi sách đèn ẩn nhẫn thời Đàng Trong – Đàng Ngoài nội chiến, loạn lạc chăng? Thật lòng, từ trực giác và tâm cảm, từ kinh nghiệm sống, làm quan, trải qua trận mạc, trở thành cố mệnh đại thần giữa triều đình, lần đầu tiên suốt một đời cụ thốt ra bốn câu gồm mười sáu chữ kinh thiên động địa ấy, về một chàng trai học trò lần thứ hai cụ gặp. Cụ mỉm cười, bâng khuâng, nhẹ vuốt chòm râu bạc trắng.
Lúc ấy, Nguyễn Văn Tường đang ngồi xếp bằng suy tư trong ngục. Ngục chập choạng ánh đèn dầu rái. “Chung thân bất đắc ứng thí”! Trọn đời không được đi thi! Tường cố nén tiếng thở dài. May thay, đó là án treo, không ghi vào bản án chính thức, lại được bỏ hẳn hai chữ “chung thân” (trọn đời), nhờ sự tâu xin ân giảm, cải án nhẹ hơn cho anh của đình thần, để anh còn hi vọng vào con đường khoa cử tương lai. Nguyễn Văn Tường thầm nói như khẳng quyết với chính mình: Nhưng ta học, đâu phải miệt mài từ chương, nhai văn nhá chữ, học như thứ mọt sách hay lũ khuyển sĩ tầm thường, cho dù ngoài con đường hoạn lộ, không còn con đường nào khác! Dẫu sao, sáu chữ “chung thân bất đắc ứng thí” đã như thanh đại đao lơ lửng trên đầu, có thể sẽ được cất đi, có thể sẽ bổ xuống vầng trán ta vốn ngẩng cao giữa đời này. Ta không hối tiếc vì sự cứng đầu trong vẻ nhún nhường của ta (không chịu đổi tên trùng với quốc tính, với ẩn ý của ta và các quan), dẫu đã thất bại! Không hối tiếc! Có phải ta còn quá trẻ nên bốc đồng, xốc nổi, xem việc vừa kiến nghị về chữ hiếu của nhà mình, vừa kích động nhà vua nghĩ lại sự xa dân là ghê gớm chăng! Kinh điển chẳng nói đó sao, “phải biết quên, biết bỏ cái khôn vặt để đạt được sự minh triết lớn lao, sự thành công viên mãn”? Thánh hiền cũng bảo, “không lo xa, ắt có buồn gần”, “việc gì ta không muốn người khác gây ra cho mình, mình cũng đừng gây ra cho người khác”?
Anh chua chát trước hậu quả chứ không phải kết quả: Về phía anh, anh vẫn không khỏi bị đổi tên, không phục hồi lại được họ Nguyễn Phúc mười mấy đời trước! Về phía hoàng tộc, chưa nói phép đặt tên đôi lược họ, thì hai chữ Tôn Thất (ẩn văn và minh văn) vẫn còn đó. Anh và các quan thất bại, có nghĩa là nhà Nguyễn, triều đại mà dòng họ anh và anh một lòng trung thành phụng sự đã mãi mãi xa dân, vĩnh viễn cách biệt dân, quên hẳn câu kinh điển “dân vi bản” (dân là gốc) trong thơ Nguyễn Trãi:
Nước đẩy thuyền
Nhưng nước cũng lật thuyền
Bởi chính dân là nước.

Bỗng dưng, trong ánh đèn nhập nhoạng chốn lao tù, Tường sực nhớ, vụt đứng dậy, gương mặt anh rạng rỡ hẳn lên khi nghĩ đến Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác và bản sách Thượng kinh kí sự, năm kia, mười sáu tuổi, anh lặn lội từ Quảng Trị quê nhà vào đất đế đô Huế này để mượn chép. Trần Đình Túc, người bạn mới đỗ cử nhân khoa này, cậu chủ con nhà quan của thằng Lúa, bấy giờ đã cùng anh ngồi chép.
Dẫu còn hi vọng trước con đường khoa cử, hoạn lộ, nhưng ta không thể bị động trước cuộc đời. – Tường tự bảo, bước ngược xuôi trong buồng giam như khung cũi –. Ta vẫn phụng sự cho nhân dân của triều Nguyễn bằng cách của ta. Không kinh bang tế thế (sửa nước giúp đời) thì hành đạo trợ dân (thi hành đạo lí để giúp dân) với tài trí, y đức của kẻ sĩ lương y, trong khi chờ một vận hội mới, minh đế sẽ xuất hiện!
Thế mà buổi chiều và tối hôm ấy đã trôi qua hơn một tháng. Nguyễn Văn Tường cũng đã rời nhà lao để làm kẻ tội đồ sung quân tròn một tuần trăng.

5

Qua một cái Tết Nguyên đán rực rỡ hoa đèn chốn kinh đô đài các, một mùa hạ xanh mướt lá nhãn, xanh mướt tán cây mù u với tiếng ve sầu lúc trỗi, lúc lặng như sóng, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tường đã rắn rỏi hơn trong thân phận tội đồ khổ sai, bổ sung làm kẻ lao dịch phục vụ cơ tượng binh của kinh thành Huế. Vậy là đã gần mười tháng trời dài đằng đẵng chấp hành án.
Tháng năm theo lịch mặt trăng, năm Thiệu Trị thứ ba (Quý mão, 1843) này, Tường vẫn ngày ngày cắt cỏ cho mấy ông voi ăn, gánh nước sông vào để tắm cho mấy ông voi mát, dưới sự chăn giữ, điều khiển voi của các lính nài thiện nghệ. Và cũng tháng năm này, năm nay, triều đình chuẩn bị mở chính khoa thi hương, mặc dù đã ba năm liền mở ân khoa (Canh tí, Tân sửu, Nhâm dần), lại mở ân khoa thi hội, thi đình. Những người đỗ cử nhân năm ngoái và các năm trước sẽ dự thi, rồi sẽ có một số người đỗ tiến sĩ, và trong số tiến sĩ sẽ có sĩ tử được vua đích thân ra đề, chấm bài, chọn thám hoa, bảng nhãn! Nguyễn Văn Tường mỉm cười đau xót khi nghĩ đến quang cảnh ấy!
Nguyễn Đăng Điều, Trần Đình Túc thỉnh thoảng đến thăm anh. Kẻ sĩ học trò nào lại chẳng nếm mùi vinh nhục trên con đường khoa cử. Túc mới đỗ cử nhân năm ngoái, đang chuẩn bị thi hội, nhưng đâu phải chưa nếm mùi học tài thi phận ở các khoa trước! Họ vẫn rất tự tin vào sức học của mình, thậm chí rất coi thường bọn mọt sách, lũ khuyển sĩ nhai văn nhá chữ “trúng tủ”, được vinh quy bái tổ! Trong hương khoa Nhâm dần (1842), họ chỉ thật lòng cảm mến dăm bảy người về sở học, đó là Phạm Phú Thứ, Lê Điều (Lê Điều Dương)… Những sĩ tử Quảng Trị đồng hương cùng tỉnh đi thi với Nguyễn Văn Tường năm ngoái, Nguyễn Thế Nho ở làng An Khê, huyện Địa Linh, Trần Thế Vinh (Trần Xuân Vinh) ở làng Yên Tự, huyện Đăng Xương, và Nguyễn Văn Trị (Nguyễn Vĩnh) ở làng Diên Khánh, huyện Hải Lăng, hẳn cũng đang sắm sanh lều chõng vào dự khoa thi hội này (14)… Thế nào những bạn học ấy cũng đến thăm họ.
Và những ngày mở hương khoa, hội khoa, rồi đình khoa cũng gần đến. Kẻ tội đồ Nguyễn Văn Tường chua chát bị bổ sung làm kẻ chăng đèn kết hoa, sau khi mướt mồ hôi dọn cỏ, sửa sang trường thi hương ở xã Nguyệt Biều! Đức vua Thiệu Trị cũng đã phê chuẩn, sau kì thi tháng bảy này, vào tháng mười, sẽ khởi công xây dựng trường thi bằng gạch ngói ở phía cửa Ninh Bắc trong kinh thành. Tường sợ anh sẽ bị giữ lại quá hạn để làm lao dịch! Chút ngông cuồng tuổi trẻ trong sự cố chữ “Phúc” năm ngoái, bây giờ Tường đang còn phải trả với giá đắng cay thế đó.
Cũng trong tháng ấy, thân sinh của Tường từ Quảng Trị vào thăm anh. Tường mím môi nghẹn ngào, quyết không để bật ra tiếng khóc, khi cúi xuống, đan tay xá chào cha đẻ, người đã sinh thành và nuôi dạy anh.
Ông Nguyễn Văn Dậu, người làng thường hay lấy tên người con đầu để thay tên thật, gọi là ông Diêu (Diêu là tên người con gái cả của ông Dậu). Ông Diêu cầm tay con trai, im lặng, nhìn thật lâu vào gương mặt Tường. Sau một lúc, ông nói:
- Cha đã mấy lần nhận được thư tay của con, và đã gửi thư tay cho con. Cha đã hiểu tất cả. Con yên tâm. Dẫu răng đi nữa, cha cũng không trách con. Chuyện đã rồi!
Ông vỗ mạnh vào cánh tay con trai đã cao lớn hơn ông. Ông dẫn con đến dưới gốc đa cổ thụ.
- Ngồi đây. – Ông Diêu nói –.
Tường nhìn qua cha, thấy cha vào kinh đô, không như thường ngày, hôm nay trông ông như đang đi lễ hội ở nhà thờ tộc hay ở đình làng. Trên búi tóc vẫn còn như hồi trai tráng là một chiếc khăn đóng đen đã cũ. Vải áo the thâm của cha cũng đã sờn bạc. Màu quần trắng đã ngả vàng. Đôi guốc mộc đóng da trâu, may là chưa mòn vẹt. Duy gương mặt cha có vẻ gầy đi, bộ râu năm chòm, chòm giữa dưới cằm rậm và dài chấm ngực, đã có nhiều sợi bạc. Cha Tường tuổi ngọ, Mậu ngọ (1798), năm nay cha đã ở vào tuổi 46 (15). Tường cảm thấy mừng thầm khi trông cha còn rất khoẻ mạnh.
- Thưa cha, con rất tiếc là đã khiến cha mạ lo buồn.
- Thôi, quên đi chuyện cũ. Mười tháng rồi, chưa cũ hay răng đây, mà còn nhắc! Cái chính là lo làm lao dịch cho tốt, để hai tháng nữa mãn hạn mà về. Cha cũng mừng là con ngó chừng chắc chắn, cứng cát hơn trước.
- Mãn hạn tội đồ, con về sẽ học nghề thuốc. Cha thấy như rứa có răng không, cha? – Tường hơi ngần ngại nói –.
- Học trò, kẻ sĩ, hoạn lộ bế tắc, cũng còn đường làm thầy đồ, không thì làm thầy thuốc. Tuỳ con. Cha tin vào sự chọn lựa của con. Hãy nhớ là chữ nghĩa khi mô cũng hơn, đừng khi mô buông lơi chữ nghĩa! Gia đình mình, trừ cha mạ và hai dì ra, trong mười hai người con của cha, con được cả nhà lo cho ăn học đến nơi, đến bao giờ thoả chí con thì thôi. – Ông hơi buồn –. Còn các đứa con khác của cha, học đủ để đọc sách, cha cũng mừng rồi. Tất cả hi sinh cho con đó.
- Dạ, thưa cha, tội con thật nặng. – Tường hơi nghẹn ngào –.
- Ngày con mới sinh ra ở An Cư được vài năm, – Ông Diêu hồi tưởng –, bấy chừ gia đình ta phải sinh sống ở Cam Lộ, chốn sơn lam chướng khí, có một khách thương người Tàu và một số hoàng thân, quý tộc, quan chức bị lỗi, phải đày ra ở đó, tất cả mọi người đều một lời bảo con có quý tướng, về sau lớn lên sẽ làm vinh hiển nhân dân, họ tộc, non sông xã tắc, cho dù nhân dân, trong đó có họ tộc ta, và non sông xã tắc có lâm vào vận bỉ. Rứa mà chừ đây…
Nguyễn Văn Tường hơi khẽ giật mình. Lại tướng số! Anh thầm nghĩ. Cha anh lại nói:
- Thôi, đừng nhắc nữa! Cha đã bảo con đừng nhắc chuyện cũ, rứa mà…
- Năm ngoái quan tể tướng triều đình họ Trương cũng có tiên đoán số phận con qua mười sáu chữ!
- Ông quan đầu triều thật khéo động viên, khích lệ con! Cha đã biết. – Ông Diêu cười ha hả –. Thôi, cha ông mình có câu: “có chí thì nên”, không tướng mạo, số phận nào hơn được sự miệt mài rèn luyện, học hành!
Tường mỉm cười đồng ý với cha. Một vạn lời bói toán, xem tướng mạo, may ra chỉ trúng được một! Nhưng anh thấy không nên bàn sâu vào đó.
Anh nhìn ra dòng sông đang ngập nắng xế trưa. Tường muốn thưa với cha, trong mười tháng tội đồ vừa qua, anh đã viết được mấy chục bài thơ, Điều và Túc rất khen. Nhưng anh cũng thấy cần cẩn trọng hơn trước khi đưa cha đọc.
Ông Diêu bỗng nghiêm nét mặt:
- Con ở kinh đô, có nghe tin gì từ khách thương cập bến không? Ở bên Tàu, có biến đó! Bọn Tây dương lộng hành ở Hạ Châu (Mã Lai), Xiêm, rồi ở Tàu…
- Dạ, con có biết. Nhà Thanh đã phải kí nhượng ước Nam Kinh năm ngoái, sau cuộc chiến tranh thuốc phiện. – Tường trầm ngâm thưa –. Năm kia, Tây dương đã khiêu khích triều đình nước ta! – Anh nghiến chặt hàm răng –. Bọn Tây dương bạch tạng quỷ quyệt thật! (16).
- Thôi, không nên động thời sự! Cha chỉ phối kiểm lại tin tức từ khách thương… Con phải bảo trọng.
Sau lần cha vào thăm đó, Tường hết sức cố gắng giữ mình, làm lao dịch rất cẩn thận, để được phóng thích đúng hạn.
Cuối tháng bảy năm Thiệu Trị thứ ba (1843) ấy, Tường về quê sau khi đến chào những nơi ân nghĩa ở Huế.
Anh khoác chiếc đãy đựng sách và giấy bút lên vai, đầu đội vành nón lá, bước theo đám bộ hành trên đường thiên lí. Trong túi anh, chỉ còn mấy đồng, đủ để trả tiền đò qua sông, cơm nước dọc đường.
Cũng con đường thiên lí Bắc – Nam này đây, tháng sáu năm ngoái anh lều chõng vào kinh đô thi hương!

Khởi viết lúc 16 giờ 20, 12.08.2002
(04.7 Nhâm ngọ, năm thứ 2 công nguyên Hoà Bình [HB.2]).


TRẦN XUÂN AN


(1) Theo lời thuật lại của ông Nguyễn Văn Quế (Nguyễn Xuân Quế), hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886): Về sau, khi đã trở thành phụ chính đại thần, cụ Nguyễn Văn Tường đã gọi viên suất đội này lên dinh. Ông ta sợ hãi xin tha tội chết, khi nhớ lại chuyện cũ. Quan phụ chính ôn tồn bảo rằng: “Lẽ ra chính ta phải tạ ơn nhà ngươi. Nhờ bị ngươi phạt 6 trượng, tha 4 trượng, ta mới thêm ý chí học hành, rèn luyện. Nay để trả ơn, ta xin tặng ngươi 4 lạng bạc và 6 lạng vàng, mỗi trượng một lạng”. Hoá ra, 4 trượng tha lại không giá trị bằng 6 trượng đánh: Giá trị của lời phê bình cao hơn lời xuê xoa! [xem thêm chú thích (12)].

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn và Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục (QTHKL.), bản dịch: Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm, hiệu đính: Cao Tự Thanh, Nxb. Tp. HCM., 1993, tr. 297 (Nguyễn Văn Tường đỗ cử nhân, khoa Canh tuất, Tự Đức năm thứ ba [1850]): “vì tên trùng với quốc tính không chịu đổi, bị đi đày [tội đồ – TXA.], hết hạn được phục hàm cử nhân”… Phải chăng đây là lần thứ hai [1850] ông bị răn đe do lỗi cũ phạm phải ở lần thứ nhất [1842], để nhắc nhở, trước khi bổ đi làm huấn đạo ở Mộ Đức, Quảng Ngãi? Xin nhớ rằng, dưới chế độ phong kiến, hình phạt tội đồ ở mức ấy là rất nhẹ (chỉ có tính chất nhắc nhở). Xem thêm: Cao Xuân Dục (biên tập viên), Quốc triều đăng khoa lục (QTĐKL.), bản dịch: Trúc viên Lê Mạnh Liêu, TTHL. Bộ VHGD. & TN. xb., Sài Gòn, 1961, bản in 1971, tr. 183, 189, 198: Về sau, Nguyễn Văn Tường có 3 lần làm giám khảo thi đình, Ất hợi (1875), Đinh sửu (1877), Canh thìn (1880).

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 11, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1964, tr. 222.

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 11, sđd., tr. 222 [cùng chú thích (3)].

(5) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 275, tr. 287 và tr. 263 – 264: Theo Việt Nam khai quốc chí truyện, Nguyễn Kim tức là Nguyễn Hoằng Kim, con trai Nguyễn Hoằng Dụ, cháu nội Nguyễn VĂN Lang; Nguyễn Hoàng là con trai thứ của Nguyễn Kim. Có lẽ vì phạm huý (Lê Kính Tông lấy niên hiệu Thận Đức: 1600; niên hiệu Hoằng Định: 1601 – 1619), Nguyễn Hoàng bỏ chữ Hoằng.

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 23, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1970, tr. 117 – 122: Năm 1841 (tháng hai, Tân sửu), Bộ Lễ đã từng tâu xin đổi Tôn [Tông?] nhân phủ làm Thân đài, Tôn [Tông?] Thất làm Kinh Thất, với lí do phạm huý ở trường hợp đồng âm (Miên Tông; Tông [dòng họ] = Tôn [tôn quý]). Cuối cùng, Tông Thất [nhà cùng dòng dõi] được viết, đọc, và hiểu là Tôn Thất [nhà cao sang]? Xem thêm: Đào Duy Anh, Từ điển Hán – Việt (TĐHV.); Trần Trọng Kim, VNSL., sđd., các chữ Hán chua thêm; Trần Thanh Tâm, Quan chức nhà Nguyễn (QCNN.), Nxb. Thuận Hoá, 2000. Ba tác giả, hai cách hiểu và viết chữ Hán khác nhau! Nguyên văn đế hệ thi như sau: “Miên hồng ưng bửu vĩnh, Bảo quý định long trường, Hiền năng kham kế thuật, Thế thụy quốc gia xương” (dài lớn giữ ngôi báu được lâu, hưởng ngôi tôn quý lâu dài thịnh vượng, bậc hiền năng đều nối chí noi việc, đời đời có điềm hay, nước thịnh tốt). Và ở nhiều tư liệu khác, nguyên văn bài phiên hệ thi cho dòng Định Viễn quận vương (con thứ 6 của Gia Long): “Tịnh hoài chiêm viện ái , Cảnh ngưỡng mẫu thanh kha, Nghiễm khác do trung đạt, Liên trung tập cát đa”…

(7) Quốc sử quán triều Nguyễn và Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục (QTHKL.), sđd., tr. 261: Nguyễn Văn Điều đỗ cử nhân khoa Đinh mùi, Thiệu Trị năm thứ bảy [1847].

(8) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 30, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1974, tr. 139 – 140: Nguyễn Luận, vốn có tên là Nguyễn Văn Tường, đỗ cử nhân khoa Tân sửu, năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), về sau làm quan đến hữu tham tri Bộ Binh, hiệp lí thuỷ sư. Năm 1864, vào tháng 10 âm lịch, vì trước đó mắc tội nhũng nhiễu binh đinh, đòi tiền đút lót, bị Đặng Huy Trước (âm đọc khác là Trứ, Đặng Huy Trứ) người “cùng quê” tâu hặc, nên từ đấy, bị cách chức, cho làm lính đi hiệu lực (làm việc chuộc tội) ở quân thứ Tuyên Quang (theo QTHKL., sđd., tr. 210), rồi về làm dân. Mối tư thù giữa hai gia tộc nảy sinh có lẽ là từ sự kiện này. Đó là nguyên nhân ảnh hưởng đến vụ Đặng Huy Cát, Đặng Hữu Phổ, sau 05.7.1885. Không kể việc mấu chốt là Đặng Huy Xán, chú ruột, lừa bắt nộp Đặng Hữu Phổ cho giặc Pháp theo quan điểm bảo hoàng ngu trung, tôn phù ngụy triều Đồng Khánh (chuẩn bị lên ngôi), mà ở đây, cần thấy rõ thêm khía cạnh khác: chính vì mối tư thù cũ với Đặng Huy Trứ, Nguyễn Luận đã đốt nhà, đốt tàng thư gia đình họ Đặng này. Xin chú thích rõ hơn: Quê quán của Đặng Huy Trứ là làng Bác Vọng, Quảng Điền, Thừa Thiên, gần với quê quán của Nguyễn Luận là làng Thanh Lương, Hương Trà, Thừa Thiên. Nhưng Đại Nam liệt truyện (Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNLT., bản dịch Viện Sử học, tập 3, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 370) chép rằng, Nguyễn Luận là “là người cùng quê với Chước [Trước = Trứ]”. “Cùng quê” là cùng tỉnh chăng? Tác giả kính mong được cung cấp thêm tư liệu về nhân vật Nguyễn Luận trong vụ việc ấy. Kính đa tạ trước.

(9) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 24, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1971, tr. 164 – 165. Xin lưu ý: chữ trong dấu móc vuông kép, do Viện Sử học chua thêm; chữ tôi chua thêm, được đặt trong dấu móc vuông đơn.

(10) Về khía cạnh này, theo quan điểm lịch sử – cụ thể (không chấp nhận các chi tiết phi lịch sử), chúng tôi không thể xây dựng hai nhân vật Nguyễn Văn Tường, Trương Đăng Quế có tư tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa như chúng ta (phê phán triệt để thói lệ “cha truyền con nối” trong việc nắm chủ quyền Đất nước, xem Tổ quốc là sản nghiệp cá nhân, dòng họ, và nhân dân chỉ là tôi tớ). Trong thời điểm 1842 này, họ chỉ là hình tượng điển hình (tiêu biểu) cho một số sĩ phu, quan chức hấp thụ Nho giáo Việt hoá tiến bộ, thân dân (dân vi bản), trung thành với triều Nguyễn, trong ý hướng cải tiến cho triều Nguyễn được trường cửu. (Đó cũng là nét tính cách chủ yếu, nhất quán ở họ, tuy biểu hiện khác nhau, trong những điều kiện, bối cảnh, thời đoạn lịch sử khác nhau…). Xin xem lại chú thích (6).

(11) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 31, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1974, tr. 42 – 43: Lót chữ “Thế” cũng phạm huý.

(12) Lê Quang Thái, sưu tầm, “Xem tướng Nguyễn Văn Tường”, tạp chí Cửa Việt, số 11, 1991, tr. 49. Xem thêm: a) Hai bài nghiên cứu của Thái Vũ và Lê Quang Thái, Tạp chí Cửa Việt, số 13, 1992, tr. 75 – 84; chú trọng ở cuối bài của Lê Quang Thái, tr. 84: “Quảng Trị sơn xuyên hà dị, sinh Nguyễn Văn Tường thậm tú” (Núi sông Quảng Trị kì lạ, sinh ra Nguyễn Văn Tường rất sắc sảo và tài giỏi); b) Theo gia phả ông Nguyễn Thanh Đàn (179, Chi Lăng, Huế) thủ giữ: “công sinh nhi phong tư tú dị” (công được sinh ra, dáng nết đẹp tốt lạ lùng). Tham khảo thêm: Tập tài liệu Các báo cáo khoa học (CBCKH.), gồm 15 bài nghiên cứu, trong Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) tại Huế, ngày 02.7.2002. Hai bài viết của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc (nguyên giảng viên ĐHSP. Tp. HCM.)., của TS. Đỗ Bang (giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế) trong tập có đề cập đến gia phả phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường.

(13) Cao Xuân Dục (biên tập viên), Quốc triều đăng khoa lục (QTĐKL.), bản dịch: Trúc viên Lê Mạnh Liêu, TTHL. Bộ VHGD. & TN. xb., Sài Gòn, 1961, bản in 1971, tr. 75.

(14) Quốc sử quán triều Nguyễn và Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục (QTHKL.), sđd., tr. 219 – 232 (khoá 1842, 1843).

(15) Chi tộc phả chi phái Nguyễn Văn, làng (xã) An Cư, tổng An Cư, huyện Đăng Xương (Triệu Phong), Quảng Trị, do luật sư Nguyễn Văn Toàn (Tp. HCM.) cung cấp; và một vài chi tiết khác bổ sung từ các nguồn tư liệu khác.

(16) Trần Xuân An, Nguyễn Văn Tường, “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được” (NVT., NNTNTX., TKHĐ.), khảo luận và phê bình sử học, sắp xuất bản (2002).

TXA.



Hết truyện kí thứ nhất

XIN XEM TIẾP TỆP 3
Truyện kí thứ hai

0 Comments:

Post a Comment

<< Home