TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap I A)

Monday, December 12, 2005

TỆP 1 - Tập I
phần “Lời giới thiệu” và “Lời thưa đầu sách”
Đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1005_nvtuong_txaI.htm


TRẦN XUÂN AN

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 – 1886)


truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử
TẬP I
(TRỌN BỘ BỐN TẬP)

bản sơ thảo hoàn chỉnh, 08.2002 &
bản tự nhuận sắc, 02.2004



NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ TP. HCM.
2004
(trong bản đã xuất bản,
có gác lại một số đoạn chú thích)


THÁNG TÁM
HAI KHÔNG KHÔNG HAI
THÁNG BẢY NHÂM NGỌ
NĂM THỨ HAI CÔNG NGUYÊN HOÀ BÌNH


TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN
TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH
TRÂN TRỌNG VÀ THÀNH THẬT BIẾT ƠN

Tác giả:
TRẦN XUÂN AN
71B Phạm Văn Hai
(cửa hiệu Phan Huyên)
Phường 3, quận Tân Bình
Thành phố Hồ Chí Minh

ĐT.: [08] 8453955
& 0809 803908

Khởi viết từ 12.8.2002 [HB.2]
tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tạm hoàn tất tập I vào chiều ngày 10.10.2002 [HB.2].


Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:
NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

Trần Xuân An,
nội hậu duệ thế hệ thứ năm.




Xin tạ ơn ngọn bút,
biểu tượng của sự công chính và liêm khiết trí tuệ.
Xin yêu thương, trân trọng
và bảo vệ
từng dòng chữ mồ hôi nước mắt
của chất xám và trái tim.

TXA.





DƯƠNG TRUNG QUỐC

LỜI GIỚI THIỆU

Tôi nhận lời giới thiệu mà lòng vẫn băn khoăn, không biết bộ sách này có được nhiều người đọc hay không, và có nhiều người mua hay không.
Nói lên nỗi băn khoăn đó, để tôi muốn giới thiệu với bạn đọc rằng, đây là một bộ sách được viết rất công phu, và việc đầu tư để in bộ sách dày dặn như thế này, vốn liếng thật không nhỏ.
Công phu của người viết sách trước hết là đã chọn một đề tài không dễ: về một nhân vật mà tính phức tạp ở sự đánh giá đã kéo dài nhiều thập kỉ trong giới sử học và trong xã hội nói chung.
Với một vị quan to, đầu triều, như phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, vào thời triều chính và đất nước đứng trước hoạ xâm lăng của chủ nghĩa thực dân, thì thái độ giữa chiến hay hoà luôn là cái thước đo quan trọng nhất để phân định đúng sai, chính tà, chân ngụy… đối với mỗi một nhân vật lịch sử cùng thời (một bên là Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Trương Văn Đễ, Hàm Nghi…; một bên là Trần Tiễn Thành, Dục Đức, Hiệp Hoà, Hồng Hưu…).
Thế mà, chỉ một dòng nhận định rằng, trong khi cả nước đánh Tây, thậm chí đã có một ông vua xuất bôn lập chiến khu chống giặc mà quan phụ chính Nguyễn Văn Tường lại chủ hoà, ở lại kinh đô, đi lại với giặc, là đủ để cho một vài thế hệ người Việt Nam, những người phải trải qua hơn nửa thế kỉ của một cuộc cách mạng “phản đế – phản phong”, rồi cầm súng đánh mọi thứ giặc ngoại xâm, chẳng tốn nhiều giấy mực cũng gạt viên quan đầu triều này sang hàng ngũ những kẻ đi ngược lại lợi ích cũng như truyền thống dân tộc, để chịu sự lên án truyền kiếp…
Những năm Đổi mới đã tạo ra một không khí cởi mở và một nhu cầu nhìn nhận lại lịch sử một cách công bằng, biện chứng hơn. Công bằng là thoát ra khỏi những định kiến, và biện chứng là làm cho những nhân vật của lịch sử được nhìn nhận như những con người mà không phải là các biểu tượng.
Thoát ra khỏi định kiến, người ta nhận ra một Nguyễn Văn Tường không những không cách biệt mà gắn bó làm một (*) với những người lâu nay được xếp sang một chiến tuyến riêng – chủ chiến – như vua Hàm Nghi hay Tôn Thất Thuyết… Cách nhìn nhận này nhờ vào những phát hiện về sử liệu cũng như những phân tích mà nhiều cuộc hội thảo sử học đã được tiến hành trong một thập kỉ vừa qua.
Nhìn nhận nhân vật lịch sử một cách biện chứng, làm cho nhân vật Nguyễn Văn Tường trở nên sống động trong cái không gian và thời gian của một tấn bi kịch lớn – tấn bi kịch của cả một dân tộc và một triều đại đang phải đối diện với hoạ xâm lăng dày xéo.
Cái kết cục bi thương, chấm dứt cuộc đời nơi chốn lưu đày ở đất khách quê người, một hòn đảo xa tít mù khơi, cùng gương mặt khắc khổ, đau đớn về tinh thần, héo hắt về thể xác trong tấm ảnh di thể Nguyễn Văn Tường, khiến người ta không thể nghi ngờ vào những kết luận của giới sử học về vị trí chủ chiến của nhân vật này trong pho sử chống Pháp bi hùng của dân tộc ta cuối thế kỉ XIX.
Tác giả bộ sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” không chỉ nương theo những kết luận của giới sử học, mà còn bằng một thể loại ông tự phát kiến là “truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử”, để chứng minh với người đọc rằng, cuộc đời của Nguyễn Văn Tường như ông thuật lại trong bộ sách là một cuộc đời thực như thế. Tác giả lại quả quyết: phần hư cấu chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Khó ai định lượng được là bao nhiêu, nhưng dễ nhận ra công sức của tác giả khi ông dành thêm phần khảo cứu sử liệu gồm rất nhiều chú thích, viết kèm theo phần sáng tác. Phần khảo cứu – chú thích sử liệu ấy không phải chỉ để dẫn chứng, trưng dẫn xuất xứ sử liệu, thẩm định tư liệu, trình bày thêm một cách minh xác nhằm tiện cho việc đối chiếu với phần sáng tác, mà còn để minh chứng: hư cấu nghệ thuật có khả năng tiếp cận với sự thật lịch sử (**).
Nếu ai đó đã từng ví rằng, với thể loại tiểu thuyết lịch sử, lịch sử chỉ là một cái đinh để móc cái áo, thì với tác giả bộ sách này, cái áo tiểu thuyết (phần kết cấu truyện) được đem giăng trên một cái mắc (phần sử kí, tư liệu lịch sử) – cái mắc ấy vốn được thiết kế để người ta có thể nhận ra từng chi tiết, từ đường kim mũi chỉ… đến cái vóc dáng hoàn chỉnh của cả tấm áo. Nói cách khác, tác giả (nguyên là một nhà giáo) muốn thể hiện một quan niệm cổ điển (chuẩn mực) về sự “bất phân” của hai ngành, văn và sử, hai phương thức tư duy, khoa học và sáng tác, trong một bộ sách viết về một nhân vật lịch sử gắn với một thời đại lịch sử.
Tôi muốn nhấn mạnh tính độc đáo của bộ sách, cái công phu của người viết, để giới thiệu với bạn đọc một bộ sách đáng xem, đồng thời cũng để biểu dương sự cần cù, quả cảm của tác giả, là đã làm một việc có ích cho cả sử học lẫn văn chương, trong tình hình có sự giảm sút số lượng người đọc nên rất khó khăn trong việc phát hành này.
Xin được nói thêm rằng, tác giả có một ý định về bổn phận riêng tư bên cạnh những mục đích chung, như ông đã có lời đề từ ở trang đầu sách, là tác phẩm được viết để “kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ Nguyễn Văn Tường” với lòng thành của tác giả (một người thuộc hậu duệ thế hệ thứ 5). Điều đó có làm cho người đọc nghi ngờ về tính khách quan của bộ sách hay không? Chính cách viết xem trọng việc khảo cứu sử liệu của tác giả đã giải toả điều đó. Hơn thế nữa, người viết bộ sách này cũng muốn thể hiện cái đạo hiếu nghĩa của người đời nay đối với người xưa. Đó là một việc đang rất cần cho đời nay, để chúng ta có được một tấm gương lịch sử trong trẻo mà soi lại việc xưa, nhằm làm sáng rõ cho cuộc sống đời nay. Giữ bổn phận chính đáng với tổ tiên của mình cũng là một cách góp phần hun đúc cho tình yêu Tổ quốc.
Như thế thì bộ sách này đáng mua và đáng đọc lắm.


IX. 2004
DƯƠNG TRUNG QUỐC
Tổng thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam



Cước chú của bài Lời giới thiệu:

(*) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, bản dịch Viện Sử học, tập 37, Nxb. KHXH., 1977, tr. 35: Trong bản án chung thẩm (10.1885, cuối tháng 8 năm Ất dậu) của thực dân Pháp và ngụy triều Đồng Khánh, có 04 người thuộc nhóm chủ chiến bị chúng kết án (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn). Trong đó, chúng xếp Nguyễn Văn Tường đứng đầu danh sách. (TXA. chú thích).

(**) Đây là một luận điểm quan trọng trong ngành lí luận văn học: Việc hư cấu nghệ thuật một cách chân thật trên cơ sở nghiên cứu sử học, tiếp thu những thành tựu của khoa học lịch sử sẽ làm cho sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử trở nên sinh động hơn, và do đó, thật hơn cả sự thật lịch sử trong sử học. Luận điểm quan trọng đó được đa số nhà văn, nhà nghiên cứu văn chương, nhà lí luận văn học trên thế giới nhất trí tán thành, bởi lẽ, sách sử kí trong tủ sách tư liệu cổ hầu hết đều ở dạng tinh giản hoá (giản lược bớt, chỉ lấy phần tinh chất – chi tiết tiêu biểu), còn sách sử học được biên soạn trong thời hiện đại lại thường thiên về khái quát hóa, ý niệm hoá (đúc kết quy luật, nhận định, mô tả bằng ngôn ngữ trừu tượng). (TXA. chú thích).




HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM
25 Tông Đản, Hà Nội
ĐT. / Fax.: 04.8256588

Ý KIẾN GIÁM ĐỊNH BẢN THẢO SÁCH:
“PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG”
của tác giả Trần Xuân An

Kính gửi: Nhà Xuất bản Văn Nghệ TP. HCM.

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (H.KHLS.VN.) đã nhận được công văn của quý Nhà Xuất bản (NXB.), đề nghị Hội đồng Giám định của Hội chúng tôi đánh giá nội dung lịch sử và khả năng xuất bản bản thảo của tác giả Trần Xuân An (TXA.) – bản thảo viết về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường.
Do Hội KHLS.VN. đã tham gia, tổ chức một số cuộc hội thảo về nhân vật lịch sử này, và tác giả TXA. đã tặng bản thảo này cho một số đồng nghiệp của Hội, nên xin được có một số ý kiến thẩm định như sau:

- Về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường:

Đây là một nhân vật đóng một vai trò chủ chốt của một giai đoạn lịch sử rất phức tạp; tính phức tạp của tình hình giai đoạn lịch sử này gắn liền với sự phân hoá giữa nội bộ các tầng lớp quan lại triều đình Huế, trong bối cảnh thực dân Pháp xâm lược và từng bước áp đặt ách thống trị lên đất nước ta. Đã có một thời gian, nhân vật phụ chính Nguyễn Văn Tường bị đánh giá như người đứng đầu phe “chủ hoà”, có xu hướng cộng tác với chế độ thực dân xâm lược. Nhưng cùng với sự đổi mới nhận thức, đặc biệt là nhờ những phát hiện mới về tư liệu của giới chuyên môn, trong đó có nỗ lực của các hậu duệ nhân vật lịch sử này, nên sau nhiều cuộc hội thảo được tổ chức bởi nhiều trung tâm nghiên cứu và giảng dạy lịch sử (Đại học Sư phạm TP. HCM., Viện Đại học Huế, Hội Sử học Thừa Thiên – Huế, Hội KHLS.VN….), giới sử học đã đạt tới sự đồng thuận cao trong quan điểm đánh giá: Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường là một người yêu nước, hoạt động trong phong trào Cần vương vũ trang chống Pháp. Giải thích việc phụ chính Nguyễn Văn Tường không ra sơn phòng cùng vua Hàm Nghi và các văn thân chủ trương kháng chiến chống Pháp, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, đã được nhiều sử gia cho rằng, đó là sự phối hợp hành động vì mục tiêu chung. Qua nhiều tài liệu của thực dân, giới nghiên cứu sử học thấy rõ: thực dân Pháp từ chỗ tỏ ý nghi ngờ đến phê phán quyết liệt thái độ của vị phụ chính đại thần này, và chung cục lịch sử là phụ chính Nguyễn Văn Tường đã bị thực dân Pháp bắt đày ra đảo Tahiti, rồi qua đời ở đấy. Đó là bằng chứng có giá trị thuyết phục để làm cơ sở đánh giá nhân vật lịch sử này.

- Về thể loại sáng tác:

Tác giả đã xác định rõ là “truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử”. Đó là một loại hình mới mẻ. Tác giả tỏ ra rất nghiêm túc trong việc bám sát những sử liệu, đặc biệt là chính sử của triều Nguyễn, để dựng lại kết cấu và các chi tiết của truyện kí. Đây là nét độc đáo của tác phẩm, tỏ rõ thái độ nghiêm túc, công sức đầu tư của tác giả. Nguồn tư liệu phong phú do công sức sưu tầm, việc khai thác triệt để các kết quả nghiên cứu của giới sử học qua các cuộc hội thảo về nhân vật Nguyễn Văn Tường mà tác giả tham gia, đã tạo nên độ tin cậy về lịch sử trong khuôn khổ một sáng tác mang cả yếu tố văn học vào sử học. Điều đó có nghĩa là, trong phần sáng tác – hư cấu của một truyện kí về một nhân vật lịch sử, tác giả luôn có ý thức bám sát những sử liệu có được để kết cấu sao cho lô-gic. Đương nhiên với một sáng tác có tính chất văn học, những hư cấu nằm ở khoảng trống giữa những sự thực đã được sử liệu minh chứng là thuộc về quyền và năng lực sáng tạo của tác giả; sự kết đính ấy luôn cần thiết cho mọi sáng tác.

- Một vài ý kiến góp thêm:

Tác giả không sai khi phản ánh một tình hình rất phức tạp ở nước ta vào nửa sau thế kỉ XIX. Tình hình ấy tồn tại một sự xung đột quyết liệt giữa những người truyền giáo Phương Tây với triều đình nhà Nguyễn, và nguyên nhân cùng hệ quả của nó tạo nên sự mâu thuẫn lương – giáo trong nội bộ nhân dân ta. Thực dân Pháp luôn nhấn mạnh đến chính sách đàn áp Thiên Chúa giáo của triều đình Việt Nam bấy giờ để làm áp lực, tạo lí do can thiệp quân sự, dẫn đến việc chiếm đóng Việt Nam. Và trong chính sách cai trị thuộc địa, chúng luôn luôn khai thác mối mâu thuẫn này để áp dụng chính sách “chia để trị”. Giới sử học Việt Nam đã phân tích đến mặt sai lầm trong chính sách của triều đình Huế, những sai lầm khiến bị thực dân lợi dụng, và vạch trần bản chất xâm chiếm thuộc địa của chủ nghĩa thực dân là không vì lí do tôn giáo. Đối với nhân dân, vì yêu cầu chung luôn đặt ra là mục tiêu đoàn kết dân tộc, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nên khi đề cập tới những vấn đề lịch sử, ta vẫn nêu rõ sự thật nhưng hạn chế tối đa những yếu tố gợi lại một cách không cần thiết sự xung đột dẫn đến hận thù. Do vậy, mặc dầu tác giả rất có ý thức đối với vấn đề này, và ngay trong phần cuối sách, cũng nhắc lại sự tế nhị, nhưng theo chúng tôi nên giảm bớt về số lần và về tình tiết liên quan đến những hành vi của triều đình Huế đối với Thiên Chúa giáo (nhà truyền giáo và giáo dân).
Trên đây là một số ý kiến đóng góp cho một bản thảo mà chúng tôi đánh giá cao về công sức, thái độ nghiêm túc của tác giả. Công sức, thái độ nghiêm túc ấy thể hiện trong một tác phẩm viết về một nhân vật và một thời đại mà sự đánh giá lịch sử chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp, tế nhị, nhưng đã và đang được giới sử học làm sáng tỏ. Bản thảo này nếu được xuất bản sẽ có tác động tích cực vào quá trình làm sáng tỏ đó. Mong tác giả cũng chỉnh sửa trên sự góp ý của chúng tôi .
Xin gửi tới quý NXB. lời chào trân trọng.

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2004
TM. Hội KHLS.VN.
Tổng Thư kí,

(đã đóng dấu và đã kí tên)


DƯƠNG TRUNG QUỐC




TRẦN XUÂN AN

VÀI LỜI THƯA TRƯỚC

1

Khác với các bộ sử kí và các công trình nghiên cứu sử học, vốn lấy tính khoa học, minh xác (minh bạch và xác thực) làm tiêu chí quan trọng bậc nhất, tác phẩm văn chương nghệ thuật bao giờ cũng biểu hiện bằng hình tượng, mời gọi người đọc đồng sáng tạo. Tuy nhiên, đó là đặc trưng của những loại hình văn chương hoàn toàn hư cấu (fiction). Ở đây, mặc dù vẫn thuộc lĩnh vực văn nghệ, nhưng truyện kí về đề tài lịch sử (sự kiện và nhân vật lịch sử) vẫn phải được sự bảo chứng của khoa học lịch sử. Vì thế, theo quan niệm riêng của tác giả, truyện kí lịch sử phải hết sức gần gũi với thể loại kí (non-fiction), đậm đặc chất kí hơn bất kì loại hình văn nghệ nào khác. Chất kí (ghi chép đúng với sự thật lịch sử), sử liệu (quan trọng nhất là tư liệu gốc), ấy chính là nền tảng, rường cột, phên vách, mái lợp trong ngôi nhà cổ, là sàn móng, khung bê tông và gạch trong ngôi nhà hiện đại, còn yếu tố văn chương chỉ là các vật liệu phụ gia, trang trí, làm tăng thêm phần sinh động, lôi cuốn, khắc sâu ấn tượng vào cảm thức của tâm hồn và trí tuệ. Bởi yêu cầu nghiêm ngặt về tính khoa học, minh xác như thế trong việc tái hiện lịch sử qua hình tượng nghệ thuật, nên tác giả xin mạn phép được thưa ngỏ vài lời trước khi đi vào cuốn truyện – sử kí này.
Về nội dung, tôi lấy Đại Nam thực lục (1) làm chuẩn cứ (đã biên soạn cuốn Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần, “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (2), dạng sách dẫn, niên biểu). Trên cơ sở đó và với sự đãi lọc chất liệu ở nhiều tư liệu khác, tôi đã hư cấu thêm để thành truyện kí. Nếu Tiểu sử biên niên Kì vĩ phụ chính đại thần hoàn toàn tuân theo nguyên tắc sử học với tính khoa học nghiêm ngặt, thì đây chỉ là truyện kí lịch sử. Và mặc dù có yếu tố hư cấu, nhưng không phải là hư cấu tuỳ tiện, do đó bộ truyện kí này vẫn cố gắng hết sức đảm bảo tính chân thực văn học nghiêm túc: “thật hơn sự thật sử kí”, theo quan điểm lịch sử – cụ thể (không phi lịch sử), bởi những hình tượng nhân vật sống động với các nét tính cách thật sự là cá tính, đặc biệt là tâm trạng riêng. Nói một cách cụ thể và giản dị hơn, tôi chỉ dám chọn nhặt chất liệu ngoài sử kí xét thấy là đúng hay ít ra cũng gần đúng với tư liệu chuẩn cứ, và mặt khác, tự bản thân tôi hư cấu thêm những chi tiết theo nguyên tắc bám sát tư liệu chuẩn cứ, không bôi đen, làm tổn hại đến thanh danh các nhân vật lịch sử, nhưng cũng không tô hồng họ, để các hình tượng nhân vật truyện kí gắn liền với không gian, thời gian nhất định, vừa sống động vừa chân thật, “thật hơn sự thật sử kí” chứ không phải trái ngược với sự thật sử kí.
Tôi cũng có ý định mạn phép gọi đây là truyện kí – tư liệu lịch sử hoặc truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, hay ngắn gọn hơn, là truyện kí – khảo cứu lịch sử. Gọi tên thể loại như vậy, thứ nhất, là bởi lẽ dung lượng tư liệu được sử dụng rất nhiều, đồng thời các thao tác, quy trình nghiên cứu khoa học lịch sử được thực hiện và thể hiện một cách nghiêm túc; thứ hai, là với ý nghĩa chữ “truyện” trong cụm từ “Đại Nam liệt truyện” (a)(đây là loại tiểu truyện, hay thường gọi là tiểu sử, không hư cấu) (3) và ý nghĩa chữ “kí” trong danh từ “sử kí”, hay nói rõ hơn là sử kí biên niên (Đại Nam thực lục) vẫn là sử kí biên niên nhưng viết lại cho thành truyện (tiểu sử). Dẫu thế, cũng khác với “sử kí” và “liệt truyện” ở chỗ tôi có sử dụng yếu tố hư cấu theo nguyên tắc đã trình bày bên trên.
Cũng xin khu biệt rõ hai loại kí, hai loại truyện: kí lịch sử và kí văn chương, truyện lịch sử và truyện văn chương. Kí văn chương, truyện văn chương về đề tài lịch sử vẫn thuộc về văn học!
Tôi cũng muốn được nhấn mạnh:
a. Sử kí biên niên, liệt truyện nhân vật lịch sử (như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện chẳng hạn) không thể có một mảy may hư cấu.
b. Trong bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này, tôi có hư cấu, nhưng không dám hư cấu với liều lượng nhiều (chỉ khoảng 5%), cũng không hư cấu sai nguyên tắc như đã trình bày, và ngay cả văn phong cũng tự hạn chế tính bay bướm, để bảo đảm tính minh xác sử học. Tất cả những chỗ hư cấu, tôi đều có chú thích kĩ lưỡng, một cách trung thực.


2

Cuộc đời của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trải dài trong sáu mươi hai năm (1824 – 1886). Nếu căn cứ vào sự phân kì lịch sử, phải lấy 1858 làm mốc. Ở đây, tôi khảo sát riêng về nhân vật lịch sử này, nên phải căn cứ vào quá trình hình thành nên tiểu sử, và xin tạm phân chia ra làm bốn giai đoạn: 1824 – 1850, 1850 – 1873, 1873 – 1883, 1883 – 1886. Phân đoạn sát đúng với các quãng đời (tuổi nhỏ, học trò, các cương vị đảm trách và thời gian bị giặc Pháp lưu đày), sẽ có đến bảy thời đoạn. Bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này, trong dự kiến (theo đề cương), sẽ chia làm hai tập, nhưng trong quá trình viết, lại phát sinh thành bốn tập (hơn 1.600 trang sách), với bảy phần (gồm mười ba truyện).
Dẫu chỉ một nhân vật trung tâm (nhân vật chính), nhưng làm thế nào khắc hoạ được hình tượng nếu không viết về các nhân vật đồng sự, đồng thời, trong nhiều quan hệ khác nhau, kể cả đối phương. Và viết về một nhân vật lịch sử thì có nghĩa lí gì, nếu không xác định trước cho ngọn bút, rằng phải qua nhân vật ấy để nói lên cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc, với những xung đột quân sự, văn hoá (gồm cả tôn giáo), kinh tế, chính trị, ngoại giao… Trong lời thưa đầu sách của cuốn Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần, tôi đã có dịp trình bày ý nghĩ này. Ở đây, chỉ xin nói thêm về bối cảnh lịch sử chung của sáu mươi hai năm Nguyễn Văn Tường sống, học tập, chiến đấu, hoạt động chính trị (ngoại giao, kinh tế, cầm nắm vận mệnh Đất nước). Tôi vẫn lấy 1858 và 1885 làm hai mốc lớn của giai đoạn lịch sử ấy.
Từ 1858 trở về trước, trong “Lời kêu gọi Hội Quốc liên” (4), ngày 30.8.1926, Nguyễn Ái Quốc đã viết về mặt tích cực của nước ta dưới triều Nguyễn:


“Mặt khác, bạn nghĩ xem, nước Việt Nam trước khi bị Pháp chiếm là như thế nào. Đó là một nước độc lập, biết khiến các nước láng giềng của nó kính trọng trong khi vẫn coi khinh chiến tranh và nghĩa vụ quân sự, trong khi để bảo vệ quốc phòng chỉ dùng đến dân binh (sa milice) của nó mà thôi (5). Đó là một nền dân chủ mà dưới cái vẻ quân chủ tuyệt đối vẫn hưởng quyền tự trị của làng xã, quyền tự do và chế độ học không mất tiền ở mọi cấp của giáo dục và đã gạt ra khỏi đất nước mình chế độ phong kiến [có phong tước nhưng không có kiến địa – TXA. ct. (b)] và [chế độ – TXA. ct.] tăng lữ (la féodalité et le clergé). Đó là một dân tộc được thành lập trên cơ sở thống nhất ngôn ngữ, tôn giáo, chủng tộc, phong tục. Cuối cùng, theo lời thừa nhận của chính những nhân vật Pháp, từ viễn cổ, người Việt Nam đã có một văn hoá đạo đức cao”.

Thật ra, bên trong một Đất nước được chính Nguyễn Ái Quốc nhận định, cũng như mọi giai đoạn lịch sử bất kì của bất kì quốc gia nào, là vẫn ẩn tàng – bùng nổ – ẩn tàng các mâu thuẫn nội tại có tính giai cấp hoặc các mâu thuẫn nội tại do quyền lợi. Những mâu thuẫn nội tại ấy sẽ bị kích động, nổ bùng thành chiến tranh bởi các lực lượng ngoại xâm, ít ra là từ 1858 trở về sau. Đến lúc này, các mâu thuẫn nội tại đan chéo với mâu thuẫn giữa chính nước ta với lực lượng quân sự, tôn giáo ngoại tại.
Trong bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử hay gọi một cách giản dị là truyện – sử kí này, mặc dù chỉ lấy một nhân vật lịch sử làm nhân vật trung tâm, vẫn không thể không đụng chạm đến những mâu thuẫn nổi bật, chi phối một cách quyết định đến sự vận động của chính bản thân giai đoạn lịch sử ấy. Tránh né các mâu thuẫn có tính thời đại ấy, thì lịch sử (gồm cả nhân vật lịch sử) không còn là lịch sử, mà chỉ là một mớ chữ nghĩa giả trá!
Những mâu thuẫn ấy là gì? Ai cũng biết, từ 1858 đến khi nước ta và triều đình nhà Nguyễn mất hẳn vào tay thực dân, “tả đạo” vào ngày 06 tháng 9. 1885, dân tộc ta sống trong các lốc xoáy xung đột:
1. Việt – Pháp. Dân tộc Việt Nam chống Pháp vì bị thực dân Pháp xâm lược bằng chủ nghĩa thực dân Pháp và Phương Tây (Âu Mỹ) nói chung.
2. Lương – Giáo. Chủ nghĩa thực dân Pháp bao gồm chiến tranh xâm lược và công cụ nô dịch, tạo phản là Thiên Chúa giáo. Ở đây còn là mâu thuẫn giữa văn hoá dân tộc Việt Nam với một thứ tôn giáo đã bị xuyên tạc, trở thành “tả đạo” đúng nghĩa.
3. Việt – Hoa. Mâu thuẫn giữa triều đình nhà Nguyễn với tàn quân Thái bình thiên quốc đã biến tướng và biến chất thành phỉ (giặc Cờ), thực sự xâm lược Việt Nam để xưng hùng, xưng bá, từ 1864. Trong mâu thuẫn này đã ngầm chứa mâu thuẫn giữa triều đình nhà Thanh và triều đình Đại Nam trong sự phối hợp tiễu trừ giặc Cờ. Và về sau, từ 1883, trong cuộc chiến tranh giữa hai thế lực xâm lược Pháp – Hoa trên đất Bắc Kì, Đại Nam phải đối diện với cả hai thế lực xâm lược đó. Từ hai sự kiện đó, tình hình bấy giờ nổi cộm lên vấn đề Hoa kiều sinh sống tại Việt Nam, nhất là Hoa kiều phù Minh (Hán) diệt Thanh (Mãn).
4. Nam – Bắc. Mâu thuẫn Đàng Ngoài – Đàng Trong, hậu quả của khoảng hai trăm năm Trịnh – Nguyễn phân tranh. Trước đó, mâu thuẫn ấy vốn đã ít nhiều bùng nổ, nhưng bị trấn áp, phải âm ỉ, đến khi Pháp và “tả đạo” xâm lược, lại có “cơ hội” bùng lên, nổ ra các cuộc nội loạn với nhiều màu sắc ở Bắc Kì (6).
Ngay nhan đề cuốn sách của một tiến sĩ người Nhật, Yoshiharu Tsuboi, cũng đã khái quát được phần nào sự thật lịch sử trong nửa sau thế kỉ XIX ở nước ta: “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” (7). Và tuy nhan đề là thế, nhưng Yoshiharu Tsuboi thể hiện trong nội dung khá sắc nét và khá đầy đủ các mâu thuẫn của giai đoạn lịch sử đó.
Sử gia Trần Trọng Kim, mặc dù viết sử dưới ách bạo quyền thực dân và “tả đạo”, vẫn vạch rõ theo cách của ông ta: “…dần dần người trong nước phân ra bên lương, bên giáo, ghen ghét nhau hơn người cừu địch” (8). Và cũng ngay trong chương “Người châu Âu sang nước Việt Nam”, Trần Trọng Kim còn khái quát thành hai mục: 1) Sự đi tìm đất [của thực dân Âu Mỹ – TXA. ct.]; 2) Sự đi truyền giáo [truyền đạo Thiên Chúa – TXA. ct.] (8). Đó là hai mũi tiến công xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp và Phương Tây nói chung.
Theo cách nói dân gian thông thường hằng ngày: Bên lương chửi rủa bên giáo, chửi rủa Pháp, chửi rủa Tây Ban Nha, bên giáo chửi rủa vua quan nhà Nguyễn và chửi rủa bên lương; người Việt chửi rủa Hoa kiều, Hoa kiều chửi rủa người Việt; Nam Kì chửi rủa Bắc Kì, Bắc Kì chửi rủa Nam Kì, Đàng Trong, Đàng Ngoài chửi rủa nhau… là biểu hiện cụ thể của các mâu thuẫn trên. Và đâu chỉ chửi rủa, mà thực sự là chiến tranh, với súng nổ, gươm vung, máu đổ thịt rơi! Khi viết thành truyện, tôi đã hư cấu theo phương thức hư cấu văn học trên cơ sở chất liệu sử kí để tái hiện sự thật lịch sử trong giai đoạn ấy. Những trang viết tôi hư cấu các cảnh diễn tả lực lượng này chửi rủa lực lượng kia, và hơn thế nữa, hư cấu nhiều cảnh máu đổ thịt rơi, là không phải cường điệu, phóng đại với ác ý, nhằm khoét sâu mâu thuẫn trong quá khứ, nhất là mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc Việt Nam ta (gồm cả người Việt gốc Hoa).
Bốn mâu thuẫn cơ bản có tính thời đại ấy, từ sau điểm đỉnh xung đột lịch sử 1883 – 1885, nhất là sau giai đoạn Cần vương (1885 – 1896), sẽ vận động và biểu hiện khác. Tôi chỉ giới hạn đến 1886, năm Nguyễn Văn Tường mất với cái chết hi sinh của một nhà chính trị chống Pháp tại quần đảo tù đày Tahiti (giữa Thái Bình dương, phía Nam Mỹ).


3

Bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này cũng thể hiện ước mong: Mỗi người chúng ta tự đối diện với chính mình. Hình như đấy là nỗi ước mong của lịch sử với biết bao xương máu! Tôi cảm nhận nỗi ước mong ấy khi nghiên cứu và trong quá trình viết.
Điều cuối cùng cũng là đầu tiên trong bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này vẫn là: Đoàn kết dân tộc và đoàn kết nhân loại.
Nếu bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này tình cờ được để mắt đến, hi vọng người đọc, gồm cả những người Pháp, người Hoa, người Âu Mỹ nói chung, gồm cả những tu sĩ, giáo dân Thiên Chúa giáo tại Việt Nam và trên mọi đất nước, sẽ không trút giận vào tác giả, do sự thật lịch sử được cố gắng tái hiện một cách trung thực nhất.
Tôi cũng xin được bày tỏ nơi đây lòng biết ơn các nhà khoa học lịch sử trong và ngoài nước, đặc biệt là các tác giả có tham luận trong Hội nghị Khoa học lịch sử với đề tài “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” do Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM. tổ chức vào ngày 20.6.1996 và trong Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Viện Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp tổ chức vào ngày 02.7.2002 (9).
Cuối lời thưa đầu sách này, xin khẳng định một lần nữa, mặc dù có tham khảo nhiều nguồn, chúng tôi vẫn lấy Đại Nam thực lục làm chuẩn cứ, nhưng với quan điểm sử học dân tộc tiên tiến nhất của thời đại chúng ta, một quan điểm sử học đặt trên nền tảng đạo lí dân tộc, truyền thống và hiện đại, và đồng thời cũng đặt trên nền tảng công lí của nhân loại. Trong bộ truyện – sử kí (truyện kí – tư liệu lịch sử) này, tôi sẽ gián tiếp thể hiện sự nhất trí, tiếp thu và sự phê phán của tôi đối với các tư liệu, sách báo tham khảo, các tham luận, báo cáo khoa học, trong đó có cả hai cuốn sách của Trần Trọng Kim và của Yoshiharu Tsuboi, mà lời thưa đầu sách này có dẫn chứng.
Trong tập Các báo cáo khoa học của Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp tổ chức vào ngày 02.7.2002, tôi đã có một bài nghiên cứu thể hiện nhận thức và quan điểm của mình về Nguyễn Văn Tường và về những sách báo viết về ông (10). Trên bán nguyệt san Xưa & Nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, số 118, tháng 8. 2002, tôi cũng có dịp được đăng tải một bài nghiên cứu khác về Nguyễn Văn Tường, với tinh thần dân chủ trong khoa học, với sự nhất trí, tiếp thu và phê phán các tư liệu, sách báo tham khảo, các tham luận, báo cáo khoa học như đã trình bày (11).
Nói như thế, không có nghĩa là không biết ghi ơn những gì các tác giả đã đóng góp vào tiến trình nghiên cứu sử học, dịch thuật tư liệu lịch sử thuộc giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX và về Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886). Không có những công trình của những người đi trước, nhất là các công trình khai thác, dịch thuật, nghiên cứu tư liệu gốc của Quốc sử quán triều Nguyễn, của Bộ Hải ngoại – Thuộc địa phía thực dân Pháp, tôi sẽ lúng túng biết bao! Sưu tầm tư liệu gốc và giám định tư liệu gốc, hầu như tất cả vấn nạn sử học là ở đó!
Nơi đây, cũng xin bày tỏ sự trông mong, vào một ngày sớm nhất, Viện Sử học Việt Nam sẽ công bố trọn vẹn Kho Lưu trữ Châu bản triều Nguyễn sau khi giám định khoa học thực nghiệm xong. Và cũng kính mong những trước tác rất có giá trị của Nguyễn Văn Tường, do hậu duệ của ông sưu tầm cách đây gần một trăm năm, gồm ba tập văn chính luận (Nam Kì tấu nghị, Bắc Kì tấu nghị, Thương bạc viện phúc) và một tập thơ (Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập (12)), cũng sẽ được giám định đối chiếu, được tạo điều kiện thuận lợi về xuất bản để công bố.
Với tinh thần thực sự cầu thị, kính mong được chỉ dạy, góp ý, phê bình về bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử (truyện – sử kí) này và được mách bảo về tư liệu, sách báo…


Tp. HCM., 17 giờ đúng,10.10.2002 (05.09 Nh. ngọ HB.2);
09 giờ kém 05 phút, 22.02.2003 (22.01 Q. mùi HB.3);
11 giờ 15 ngày 29.10.2003 (05.10 Quý mùi HB.3(13)).

TRẦN XUÂN AN


Chú thích:

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), bản dịch Viện Sử học, tập 11, tập 24, tập 26, và từ tập 27 đến tập 38, Nxb. KHXH., 1964, 1971, 1972, 1973 – 1978.

(2) Trần Xuân An (biên soạn), Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp”, bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản rộng rãi).

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, 4 tập, Nxb. Thuận Hoá, 1993. Trong bộ liệt truyện này không có tiểu truyện của các nhân vật chống Pháp hàng đầu như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật, Trần Xuân Soạn, Hoàng Tá Viêm và Tôn Thất Đính!

(4) Dẫn theo Phan Ngọc, Bản sắc văn hoá Việt Nam, trong bài “Truyền thống quân sự Việt Nam, nền tảng của mọi thắng lợi quân sự”, Nxb. VHTT., 1998, tr. 413 (đối chiếu với sđd., tr. 446).

(5) Nguyễn Ái Quốc muốn nhấn mạnh đến truyền thống hiếu hoà (chiến tranh là sự vạn bất đắc dĩ), truyền thống chiến tranh nhân dân, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng là một thành luỹ chiến đấu. Đấy là nét đặc sắc trong truyền thống quân sự chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ngoài ra, cố nhiên, cũng như ở các nước khác, mọi triều đại phong kiến Việt Nam đều có lực lượng quân đội chính quy thường trực, được huấn luyện và trang bị tốt nhất. Cũng xin giới thuyết rõ hai chữ “hiếu hoà”: Đó là lòng yêu hoà bình gắn liền với ý chí độc lập, tự do của dân tộc, là ý thức không gây chiến với nước khác; tuy hiếu hoà nhưng vẫn sẵn sàng chủ chiến, quyết chiến đến cùng một khi nền độc lập, chủ quyền Đất nước và tự do của dân tộc bị xâm phạm bởi thế lực ngoại xâm. Truyền thống hiếu hoà ấy hoàn toàn xa lạ với thái độ, chủ trương chủ “hoà”, thực chất là đầu hàng trước quân xâm lược. Nói như vậy, không có nghĩa là không chấp nhận “hoà” như một sách lược tạm thời, quyền biến, hợp cơ nghi, là một cách “cầm cự”, với điều kiện phải xác định “chiến rồi mới có thể hoà, hoà để thủ, thủ để mưu chiến”, chiến là tiên quyết và hậu quyết. Chúng ta có thể liên hệ đến các cuộc chiến, các giai đoạn kháng chiến (chiến) xen kẽ với các thoả ước, hiệp ước (hoà, thủ) trong thời kì kháng chiến về sau, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam: Xô-viết Nghệ – Tĩnh (1930 – 1931), “Pháp, Nhật bắn nhau và nhiệm vụ của chúng ta” (1943), Cách mạng Tháng Tám (1945), hiệp định sơ bộ (tại Đà Lạt) 06.3.1946, tạm ước Moutet (tại Fontainebleau) 9.1946, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” 12.1946 (1946 – 1954), hiệp định Genève 1954, kháng chiến chống Mỹ – ngụy, để bảo vệ Miền Bắc, giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước (1960 – 1975), hiệp định Paris 27.01.1973, Ngày Toàn thắng 30.4.1975, “Lời kêu gọi kháng chiến chống quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh” (1979), hiệp ước quân sự Việt – Xô 1979, quyết định rút quân sau khi giải phóng hoàn toàn Campuchia 1989. Như vậy, cuộc chiến tranh chống xâm lược Pháp, Nhật, Mỹ, “tả đạo” Thiên Chúa giáo và chống chủ nghĩa bành trướng Đại Hán Trung Quốc kéo dài đến 131 năm (1858 – 1989)! Qua đó, có thể thấy rõ: phương thức kháng chiến trong binh pháp cổ điển, chiến – hoà – thủ – chiến, luôn luôn được vận dụng một cách mưu trí, quyền biến, linh hoạt nhưng cũng phải thường xuyên xác định, chiến là phương án chiến lược, tiên quyết và hậu quyết để giành thắng lợi hoàn toàn, để giành lại độc lập, tự do, hoà bình, hạnh phúc. Chủ chiến như thế chính là vì tinh thần hiếu hoà truyền thống. Xem thêm chú thích (4) bên trên.

(6) Từ tháng 9.1885 đến tháng 8.1945, suốt sáu mươi năm ấy (ít ra là hai thế hệ), Đất nước ta và triều đình Huế hoàn toàn bị nô lệ dưới ách thực dân Pháp, mâu thuẫn Đàng Trong – Đàng Ngoài đã tự hoá giải trước nỗi đau chung. Hơn nữa, do sự thay đổi chế độ chính trị ở Trung Quốc, từ thời điểm cuộc cách mạng 1911 do Tôn Văn lãnh đạo nổ ra, rồi sau đó, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, được thành lập vào năm 1949, nên Bắc Kì trở thành một địa phận có vị trí địa – chính trị tốt cho cách mạng nước ta: Bắc Kì giáp giới với Trung Quốc, có đường bộ (về sau lại có đường sắt) liên thông đến nước Nga xô-viết. Nga xô-viết đã là thành trì của cách mạng vô sản, cách mạng ý thức hệ trên thế giới. Và tiếp đến, hiệp định Genève 20.7.1954 lại là nhân tố tạo sự hoán chuyển Nam – Bắc… Vai trò lịch sử Nam – Bắc đã hoàn toàn đảo ngược! Xin xem thêm: Trần Xuân An, Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến), tiểu thuyết, bản 2001 & bản 2003 (đã chỉnh lí, bổ sung từ bản 1997).

(7) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, bản dịch Nguyễn Đình Đầu và nhóm cộng tác viên, UB.KHXH.TU.TP.HCM. xb., 1993.

(8) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, bản in lần thứ bảy, Nxb. Tân Việt, 1964, tr. 343, tr. 338 – 343.

(9) Hội thảo khoa học tại Huế, ngày 02.7.2002, với sự chủ trì: Tổng thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay: ông Dương Trung Quốc; phó tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay: TS. Đào Hùng; giám đốc Trung tâm KHXH. & NV. thuộc Viện Đại học Huế, tổng thư kí Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế: TS. Đỗ Bang; tổng biên tập Tạp chí Huế Xưa & Nay, đại diện Ban Tổ chức hội thảo: ông Lê Văn Thuyên. 13 tác giả của 15 bài nghiên cứu – tham luận, báo cáo khoa học đều có mặt, với sự tham gia hội thảo của nhiều nhà nghiên cứu sử học khác.

(10) Bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau ngày kinh đô quật khởi (05.7. 1885)”, sđd., tr. 59 – 83.

(11) Bài “Bi kịch ở điểm đỉnh mâu thuẫn: 1883 – 1884 & sự chiến thắng của nhóm chủ chiến”, số tạp chí đã dẫn, tr. 18 – 19 xem tiếp tr. 23 – 24.

(12) Trần Xuân An (biên soạn – chú thích, phản bác…), Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ, vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng, bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản rộng rãi). Đây là cuốn sách gồm 65 bài thơ do các cử nhân Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Phùng, Nguyễn Tuy (hậu duệ thuộc hàng cháu nội của Nguyễn Văn Tường) sưu tập. Các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Tôn Nhan, TS. Ngô Thời Đôn dịch, giới thiệu và hiệu đính. Các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học Trần Viết Ngạc, GS. Đoàn Quang Hưng, TS. Võ Xuân Đàn khảo luận về sử học.

(13) Viết tắt cụm từ “năm thứ […] công nguyên Hoà Bình”: HB.. Ví dụ: 19.7. Nh. ngọ, HB.2.

TXA.



Cước chú của bài “Vài lời thưa trước”:

(a) Đại Nam liệt truyện: Những truyện – tiểu sử của các nhân vật thuộc nước Đại Nam, triều Nguyễn (đặc biệt có một số chương về các tấm gương trung nghĩa, trinh nữ, tiết phụ, hiếu tử, về các cao tăng, kẻ sĩ ẩn dật danh tiếng; ngoài ra, có thêm phụ lục, viết về các nhân vật phản nghịch đích thực hay được coi là “phản nghịch”, về những người nước ngoài).

(b) Trần Xuân An chua thêm: TXA. ct.

TXA.




Hết phần “lời giới thiệu” và “lời thưa đầu sách”

XIN XEM TIẾP TỆP 2
Truyện kí thứ nhất

0 Comments:

Post a Comment

<< Home