TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap I A)

Monday, December 12, 2005

TỆP 4 - Tập I
Truyện kí thứ ba
(phân đoạn 1, còn tiếp)

Đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky3.htm




PHẦN THỨ HAI
(1853 – 1866)



TRẦN XUÂN AN

CHÍN NĂM, MỘT HUYỆN MIỀN NÚI


Truyện kí thứ ba
(phân đoạn 1)


1

Quan tri huyện Nguyễn Văn Tường cho chú ngựa xích thố đi nước kiệu. Song song với ông là viên phó quản cơ Định biên. Phía sau, viên thông lại tuỳ tùng. Cả hai cũng lỏng tay cương. Hai con ngựa thong thả soải vó cùng xích thố, một sắc lông nâu sẫm, và một kia, màu đen hơi ửng nâu. Họ đang quan sát cảnh núi rừng trùng trùng, điệp điệp, xanh ngắt và bảng lảng mây sương.
Quan huyện ghìm cương, chỉ tay về hướng đông, nơi có thể phác hoạ ra con đường mòn vắt qua các lưng núi:
- Có lẽ phải chọn nơi đó thôi. Nếu mở được con đường thứ hai, thành huyện ở Động Ngang sẽ thoát khỏi thế cô lập. Phải làm hết sức để tránh bị chặn bít lối độc đạo.
- Dạ, bẩm, như rứa thì bao giờ khởi công ạ? – Phó quản cơ Định biên Nguyễn Bằng hỏi –.
- Cho ta xem lại bản sơ đồ! – Nguyễn Văn Tường xuống ngựa, buộc cương vào một thân cây ven lối đi –. Nhưng… Cũng phải nói với nhau thêm một lần nữa thế này, quan phó quản cơ làm ta áy náy quá. Mặc dù quan phó quản cơ trẻ hơn ta hai tuổi, phẩm hàm còn thấp, chỉ lục phẩm, nhưng có tài năng, lại được tạm chức khá cao. Rứa mà cứ một bẩm, hai thưa, ba dạ, khiến ta thật khó xử! Cứ việc ứng xử với nhau theo chức vụ, có được không? Chức phó quản cơ, bình thường phải là tòng tứ phẩm võ giai! Cũng to lắm, không đùa đâu. Ta chỉ mới tri huyện, chánh ngũ phẩm văn giai.
- Vâng… Bản triều vốn đặt chức vụ với phẩm hàm trong sự tương xứng, nhưng vẫn có trường hợp đặc cách, cho mượn hàm, tạm chức. Hơn nữa, vài năm nay, hơi yên, nên triều đình rút bớt quân phiên chế của cơ Định biên. Do đó, tôi mới được lạm dự vào chức vụ này. Thật ra, lục phẩm cũng đã là được ơn, quá lạm rồi. Dám đâu ngông nghênh với quan huyện… – Nguyễn Bằng khiêm tốn và chân thành đáp –.
Viên thông lại Nguyễn Công Đạo cũng đã lập tức xuống ngựa, lấy trong đãy vải sau lưng ra một ống tre sơn đỏ, rút ra một cuộn giấy trong ống tre ấy, trao cho tri huyện với lời bẩm đúng phép. Khi quan huyện Nguyễn Văn Tường mở tấm bản đồ ra, đặt trên phiến đá nóng bỏng nắng, Nguyễn Bằng và Nguyễn Công Đạo cũng đứng bên cạnh, tay giữ góc tấm giấy. Cả ba vừa nhìn thực địa, vừa nhìn lại bản sơ đồ họ đã vẽ.
Nắng buổi sáng đã lên khá cao, mồ hôi đã rìn rịn trên lưng ngựa, nhưng sương vẫn còn vấn vít quanh những quả đồi, trái núi trước tầm mắt họ. Bàn bạc một lúc, quan huyện cho cuốn bản đồ lại, ông nói:
- Phải ra sức thôi. Bản đồ này ta đã đệ trình lên đức vua kèm với tập tâu. Cụ thượng thư Bộ Binh Trương Đăng Quế đang nghiên cứu.
- Bẩm, đúng là phải phá thế cô lập và độc đạo. – Nguyễn Bằng, với con mắt, cách suy nghĩ của võ quan, hết sức tán thành –. Tình hình ngày càng căng thẳng, không thể không lo phòng thủ địa bàn xung yếu này, như quan huyện thường lo nghĩ.
- Ta đã bảo, Cam Lộ, Hướng Hoá này chính là cái gáy của kinh đô. Nhưng ta chưa hỏi quan phó quản cơ, phía gáy có huyệt nào làm bế tắc hết toàn bộ kinh mạch của cơ thể? – Quan huyện Tường nói với giọng suy tư –. Đức vua và đình thần rất tin cậy ở chúng ta, giao cho chúng ta quản nhiệm huyện Thành Hoá này, nên làm sao không lo nghĩ đến sinh điểm, cũng gọi là tử điểm hay tử huyệt (huyệt đạo có thể gây tử vong) đó! Đúng như quan phó quản nói, tình hình rất căng thẳng! Đối phó với nội phản “tả đạo”, quan lớn Vương Hữu Quang phải tâu xin sáu điều xử trị đạo Gia Tô (1). Vụ biến loạn Hồng Bảo ở kinh đô, cũng có tay bọn Tây dương, “tả đạo”, chưa kể còn có thêm bọn phỉ ở Cao Miên giúp sức nữa (2)! Do đó, tháng bảy nhuận năm Giáp dần (1854), triều đình lại thông tư khắp các tỉnh huyện thêm một bản dụ cấm đạo Chúa (3)! Lại thêm ở Bắc Kì, Cao Bá Quát khởi nghịch, tôn phù hậu duệ nhà Lê (4)! Bắc Kì, ở ngoài đó, “tả đạo” như ong! Không có nơi nào “tả đạo” đông đúc và làm loạn dữ dội như ở Đàng Ngoài, nhất là Bắc Kì! Cụ thượng Phan Thanh Giản cũng thường hay nói thế (5)! Cho nên, hơn bao giờ hết, cửa biển Thuận An, cửa rừng Thành Hoá được tăng cường phòng thủ đến tối đa. Cái trán và cái gáy của bộ não trung ương! – Quan huyện Nguyễn Văn Tường nhìn xa xăm, tâm trí chìm vào suy nghĩ –.
Thật lòng, quan huyện rất băn khoăn, thao thức về những vụ khởi loạn ở Bắc Kì. Ai cũng biết, ngoài đó là đất của vua Lê, kinh thành Thăng Long đã từ lâu trở thành niềm hoài niệm, tiếc nuối của một phân số không nhỏ sĩ dân Bắc Hà. Nhưng hầu như dư âm, vang bóng nhà Lê chỉ là cái cớ. Nhà Lê, một triều đại ngót hai trăm rưỡi năm (1556 – 1789) trung hưng chỉ là bù nhìn trong tay ngụy chúa họ Trịnh! Nếu thật tâm hoài Lê, sao sĩ dân Bắc Kì không nổi dậy đánh đổ họ Trịnh, để phục hồi quyền lực thực sự cho vương triều do Lê Thái Tổ sáng nghiệp trong sự nghiệp vĩ đại đánh đuổi giặc Minh phương Bắc, giành độc lập cho Tổ quốc? Không, sĩ dân Bắc Kì thật tâm không hoài Lê! Mặc dù họ thừa biết chúa Trịnh chỉ mượn danh phù Lê để thâu tóm hết quyền hành vào phủ chúa, họ vẫn dửng dưng! Có lẽ sĩ dân Bắc Kì thây mặc các triều vua, triều chúa, họ chỉ muốn kinh đô mãi mãi là Thăng Long chứ không phải tỉnh Hà Nội, và sĩ dân Bắc Hà mãi mãi được trọng dụng, không bị phân biệt đối xử! Quan huyện Nguyễn Văn Tường còn thừa hiểu sự xung đột ngấm ngầm giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài sau hai trăm năm chia cắt. Ông lặng lẽ suy nghĩ, không muốn chia sẻ với ai điều này. Ông chua chát mỉm cười, tự bảo: “Tả đạo”, hoài Lê không phải là nỗi niềm tôn giáo, trung quân chân chính, đích thực, cũng không phải là hậu quả do sự áp bức của triều Nguyễn, đặt cán cân sưu cao thuế nặng dồn hẳn về phía Bắc Kì! Có phải như vậy không? Quan huyện Nguyễn Văn Tường nhớ mãi câu nói của tiên đế Gia Long khi ban lời cho nhà thơ Nguyễn Du: “Nhà nước dùng người, chỉ cần người hiền, vốn không phân biệt Nam, Bắc; ngươi cùng với Ngô Vỵ đã được đối đãi hậu, làm quan đến á khanh, nên [điều] biết thì phải nói, để hết chức phận, há nên do dự rụt rè, chỉ cốt dạ vâng làm gì”(6). Nhưng Nguyễn Du vốn mặc cảm bất trung với nhà Lê, lại kiêu ngạo, tự phụ về tài thơ mặc dù mới đỗ tam trường (tú tài). Phải chăng bên trong thâm tâm là vậy, tuy bề ngoài tỏ vẻ kính cẩn, sợ hãi không nói được nên lời? Thi hào ấy luôn luôn u uất, bất đắc chí, cho dù được phong đến Cần Chánh điện đại học sĩ! Ồ,… Tể tướng (tham tụng) Nguyễn Khản (7), anh ruột Nguyễn Du, thờ vua Lê hay thờ chúa Trịnh? Nguyễn Du hoài Lê hay hoài Trịnh?… Có phải như vậy không? Và cử nhân Phan Huy Vịnh, mới đây, làm quan triều Nguyễn đến chức gần tột bậc, tham tri! Phan Huy Chú không đỗ đạt gì, vẫn được gọi bổ nhiệm (8). Như thế là thế nào? Sao cử nhân Cao Bá Quát lại thế? Có phải như vậy không? Cao Bá Quát đã phạm tội dùng muội đèn chữa bài cho sĩ tử, phải án chém, lại được xét tha. Sao lại khởi nghịch? Bất mãn vì tài cao phận thấp (9)? Nguyễn Văn Tường hiểu rằng có những cuộc nổi dậy được sử gia ca ngợi, nhưng cũng có cuộc khởi binh bị các nhà sử luận lên án. Liệu giai đoạn lịch sử này có yêu cầu phải nổi dậy như thế với chiêu bài hoài Lê, phù Lê? Hai câu

“Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn
Mục Dã, Minh Điều hữu Vũ, Thang”

Bình Dương, Bồ Bản không Nghiêu, Thuấn
Mục Dã, Minh Điều, có Võ, Thang


trên ngọn cờ phù Lê của Cao Bá Quát, liệu có tự mỉa mai không? Tại sao không đánh đổ chúa Trịnh ức hiếp vua Lê đến ngót hai trăm rưỡi năm, bè lũ đã biến vua Lê thành con sâu xanh trong tổ tò vò? Cao Bá Quát sinh ra đời muộn đến năm, bảy mươi năm ư?
- Hình như có tiếng vó ngựa!
Viên thông lại Nguyễn Công Đạo hốt nhiên nói, tay nắm vào chuôi gươm, khiến chuỗi suy tưởng của quan tri huyện trong cái nhìn xa xăm phải bất giác ngừng lại.
- Ta thuộc tiếng vó của từng con ngựa! Yên tâm. Không phải ngựa của bọn phỉ Lào và phỉ Xiêm đâu, cũng không phải ngựa của bọn Hồng Mao (Anh-cát-lợi) Tây dương! Tiếng vó ngựa nhà đấy! – Phó quản cơ Nguyễn Bằng ung dung mỉm cười –.
Quả thật, từ phía tây, nơi thành luỹ của huyện, trên con đường mòn độc đạo, một bóng ngựa đang phi nước đại về hướng ba người. Khi nhận rõ, đó là một người lính định biên thuộc huyện, quan huyện cười sảng khoái. Ông nói lớn:
- Quan phó quản đúng là nhà võ nòi! Ta thật lòng cảm phục! Nghe tiếng đàn, tiếng thơ đến mức vi diệu là hiếm, còn quan phó quản nghe tiếng vó ngựa đến mức tinh tường siêu việt như vậy quả là độc nhất vô nhị!
- Quan huyện quá khen! Xin đa tạ. – Phó quản Nguyễn Bằng đan tay xá –.
Viên lính định biên vội nhảy xuống ngựa, thi lễ và bẩm báo:
- Thưa, quan huyện có khách. Hình như người trong kinh đô Huế…
- Ai đến tìm ta ở chốn sơn lam chướng khí này?
- Bẩm, tiểu tốt không được cho biết danh tính…
- Lần sau, nhớ gặn hỏi cho ra danh tính, mới bẩm báo nghe!
Bốn người lên ngựa, phi về thành huyện, trong cái nắng tháng chín chói rực, lúc gần giờ ngọ. Dọc đường, bầy khỉ chạy ra khọt khẹt chơi đùa, nhác thấy bóng ngựa, chúng vụt biến vào rừng rậm.
Thành huyện Thành Hoá đóng ở xứ Động Ngang. Thành bằng đất, đắp cao đến sáu thước năm tấc ta, dày một trượng, chu vi một trăm ba mươi tám (138) trượng lẻ. Hào bốn xung quanh rộng một trượng, sâu năm thước ta. Thành có ba cửa, mở ra ba phía (10). Phi ngựa từ đằng xa, nom thấy thành luỹ cũng đầy vẻ uy nghiêm. Bốn người đang cho ngựa chạy nước đại, theo con đường dẫn về Động Ngang.
Họ về đến thành huyện, cho ngựa phi lên cầu dài hơn một trượng bắc qua hào, vào cửa tiền. Hai viên lính đứng hai bên, cầm giáo sáng quắc, lưng gần sát với cửa thành được xây bằng gạch đá, thoắt ở trong tư thế nghiêm chào.
Trao dây cương ngựa cho người lính phụ trách, quan tri huyện Nguyễn Văn Tường bước lên tam cấp, vào tiền sảnh của công đường. Lát sau, người khách được đưa vào gặp ông. Hoá ra, thật không ngờ, “người từ kinh đô ra” lại là Trần Đình Túc.
- Hết sức ngạc nhiên, cũng rất ư chi là vui mừng! Xin chào quan quản đạo Phú Yên! – Quan huyện Tường cười rất tươi –.
- Xin chào! Thôi, đừng bày ra sự khách khí nữa! Chúng ta vẫn như ngày nào, thuở còn học hành thi cử. – Sau khi đan tay chào, quan nguyên quản đạo Trần Đình Túc mỉm cười nói –.
Ông ngồi xuống trường kỉ, đặt ngay giữa tiền sảnh, ở phía trước án thư và cách án thư một khoảng rộng.
Nguyễn Văn Tường ngồi đối diện với bạn. Ông thấy người bạn lớn hơn ông đến mười sáu tuổi vẫn như cách đây mười ba năm, tuy có già dặn hơn xưa, tóc đã chớm bạc. Tính từ kì thi hương năm ông mười tám tuổi, bị tội đồ vì tên trùng với quốc tính không chịu đổi, cũng là kì hương khoa Túc đỗ hương tiến (cử nhân), đến nay cũng ngót ngét mười ba năm rồi còn gì! Trần Đình Túc đã trải qua tri huyện Bất Bạt, tận ngoài Sơn Tây, lại thăng chủ sự Bộ Hộ, rồi được bổ tri phủ Vĩnh Tường cũng ngoài Bắc, tiếp đến về kinh làm viên ngoại lang Bộ Binh, trước khi đảm nhiệm chức thự quản đạo Phú Yên (11)! Trần Đình Túc cũng đã bốn mươi bảy tuổi!
- Nghe tin ông anh xin về quê một thời gian để phụng dưỡng cha mẹ già yếu, cho trọn chữ hiếu, nhưng mình không biết cách nào để rời khỏi chốn này mà khỏi bị trách cứ. Cách đây bốn, năm tháng, khi đưa một số dân dinh về giúp cho huyện Triệu Phong đào sông từ làng Vệ Nghĩa đến làng Đại Hào (12), mình định quay ra Hà Trung, Do Linh thăm hai cụ và ông anh, nhưng rồi vẫn không đi được. Thật đáng trách! Nay đang tìm dịp, thế nào cũng phải ra Hà Trung, lại may mắn được ông anh trèo núi vượt non lên thăm!
- Đường sá không đến nỗi chi, cũng không mệt nhọc gì! Lại may là nhà có ngựa, cũng rủ vài đứa gia nhân cùng đi. Trước là đi thăm, sau nữa cũng đi cho biết.
Hai người bạn ngồi chuyện trò, nhắc lại chuyện cũ học trò, và không thể không bày tỏ những suy tư về thời cuộc.
- Bây chừ, phủ doãn Thừa Thiên kiêm Quảng Trị mình là Nguyễn Văn Phong, còn Vũ Trọng Bình đã ra Bắc, lãnh tuần phủ Hưng Yên (13)! Ông anh có biết tin gì ở Hưng Yên không?
- Vũ Trọng Bình mới được thưởng vì dẹp được tàn quân Lê Duy Cự. Hậu duệ nhà Lê này bị án chém từ tháng tư năm Ất mão (1855) năm ngoái (14). Cao Bá Quát khởi nghịch vào tháng tám, sau bốn tháng, cũng đã chết từ cuối mùa đông Giáp dần (1854) năm kia (15)!
- Tin đó triều đình cho thông tư khắp nước! – Quan huyện Tường vừa căm giận vừa luyến tiếc –. Thật uổng cho một nhà thơ có tài, nhưng hành xử kiêu căng và chỉ gây rối việc thêm cho Đất nước! Đất nước đang đương đầu với “tả đạo” Tây dương, nội phản, lại chuẩn bị đối phó với thực dân Phú Lãng Sa (France), Y Pha Nho (Espagnol), Hồng Mao (Anh Cát Lợi, England), Mỹ Lợi Kiên (US. America)… Những kẻ như Cao Bá Quát chỉ gián tiếp làm lợi cho bọn Tây dương xâm lược!
- Ồ, còn bọn thổ phỉ Tàu, hải tặc Tàu! Bọn giặc khách ấy ghê gớm lắm! Chú chưa ra Bắc, nên chưa rõ đó thôi! Bọn “tả đạo” cũng như ong, như rươi! “Tả đạo” ở Quảng Trị mình ăn thua chi! Ngó rứa nhưng các xứ theo “tả đạo” Quảng Trị chưa hề khởi nghịch bằng vũ trang! Ở Bắc, đã bắt được mấy tên quân sư của bọn chúng là người Tây… Hóa ra, bọn Tây nhúng tay vào cả vụ Đinh Bảo (Hồng Bảo)! Lần gần đây nhất, chính quan kinh lược đại sứ Nguyễn Tri Phương khám phá, bắt được thuộc hạ Đinh Bảo. Đinh Bảo tự xé vải mùng thắt cổ nơi trại giam, Đào Trí Phú bị lăng trì xử tử!
- Hồi sáng nay, cùng với viên phó quản cơ Định biên và thông lại, tôi cũng có bàn luận với nhau chuyện này! Thật là thời cuộc quá căng thẳng! Ông anh làm quan ngoài Bắc, trong Nam, lại có thời gian ở kinh đô, nên rõ ràng những gì ta nói với nhau đây không phải tin tức đồn đãi vô căn cứ, gây nhiễu. Tôi thấy vận nước quả là đáng âu lo! Súng thép, tàu đồng, mưu ma, đạo quỷ… Người Việt tàn hại lẫn nhau chỉ thêm suy yếu nội lực Đất nước…
- Tháng trước, Phú Lãng Sa lại sinh sự ở cửa biển Đà Nẵng, ném một phong thư gọi là “xin thông thương” lên bãi cát, nhưng nội dung lại de doạ gây chiến (16). Cũng tháng chín Bính thìn (1856), Tự Đức năm thứ chín này, Phú Lãng Sa lại đưa thư yêu sách, khiêu khích ở cửa biển Thuận An (17)! Thật quá quắt!
- Đúng là bọn Tây dương thật quá quắt! Phong trào Thái Bình thiên quốc của Hồng Tú Toàn bên Tàu cũng do bọn Tây giúp súng đạn, phải rứa không (18)? Tháng chín, cũng năm nay, sứ bộ ta đáo lệ lại sang, nhưng tắc đường, phải hoãn. Ba, bốn năm trước, sứ bộ Phan Huy Vịnh cũng phải kẹt đến ba năm mới về nước được. – Nguyễn Văn Tường chợt ngừng lại –. Anh có hay tin ất phó sứ Nguyễn Hữu Huyến, con trai thứ của cụ thượng thư, nhà lịch pháp, toán học Nguyễn Hữu Thận (người Hải Lăng), đi sứ năm Tự Đức thứ năm (1852), khi về, đã chết vì nghẽn đường do Thái Bình thiên quốc chưa (19)?
- Chú ở nơi đồn ải heo hút này lại thạo tin tức hơn cả tôi!
- Khách thương Nam – Bắc, miền xuôi miền ngược đâu vắng bóng ở xứ này! Cũng may là còn có những vị khách kinh lịch như ông anh. Vả lại, tôi vẫn thỉnh thoảng về dinh quản đạo, vào làm việc với phủ thần kinh sư… – Quan huyện Nguyễn Văn Tường mỉm cười, gương mặt vẫn còn nét băn khoăn –. Uống trà đi ông anh, để còn dùng cơm canh quê kiểng nữa chứ…
Hai người bạn bỗng lặng im nghĩ ngợi, trong khi mâm cơm đã được hầu cận xin phép để được bưng lên. Họ chợt thấy chuyện quốc sự trong thời điểm này không thể nào rời khỏi tâm trí.
Dẫu vậy, trong những ngày Trần Đình Túc ở lại Thành Hoá này chơi, họ đã trao cho nhau đọc những tập thơ của mình, và cùng nhau ngâm vịnh. Nguyễn Văn Tường có đến ba thi tập, sáng tác từ năm mười bảy tuổi đến nay.

2

Trong năm Tự Đức thứ chín, Ất mão (1856), trước dịp Trần Đình Túc lên huyện Thành Hoá thăm, Nguyễn Văn Tường đã có hai lần cùng với đồng sự được triều đình khen thưởng. Lần tháng ba theo lịch mặt trăng, ông được thưởng một thứ kỉ lục (20). Lần tháng tám, lại một thứ kỉ lục sau khi ông đã được thăng thực thụ tri huyện (21). Nhưng niềm vui lớn nhất, đó chính là đã cứu giúp được những con người ông thương mến.
Hôm ấy, ở công đường của huyện, một người đàn bà khóc rưng rức vì không dám khóc lớn. Bên cạnh bà là người chồng phờ phạc và buồn khổ. Họ đã đi tìm đứa con mới ba tuổi bị bắt cóc khắp những nơi có thể đi. Cùng đường, họ lần mò lên đây, xin các quan thuộc huyện giúp đỡ. Lập tức quan tri huyện Nguyễn Văn Tường gọi lính định biên và các thuộc cấp vào bàn bạc.
Ở huyện Thành Hoá, có chín châu người nhân tộc thiểu số: Mường Vang, Na Bôn (Sê Bôn), Thượng Kế, Tầm Bồn, Mường Bổng, Ba Lan, Tá Bang, Xương Thịnh, Làng Thìn. Đó là chín châu ki mi được triều đình chủ trương cho hưởng chế độ cởi mở, không ràng buộc chặt chẽ như người Kinh (22). Có một khó khăn chung nhưng khó khăn ấy trở nên thậm tệ đối với các châu ấy, đó là thiên tai dịch bệnh. Mất mùa, đói kém, dân các sách, các chiềng phải xiêu tán, có khi phải chạy đói, trốn con ma đói, qua tận xứ Lào. Dịch thổ tả và các dịch bệnh khác lây lan, họ cũng phải xiêu tán, chạy bệnh, trốn con quỷ bệnh, qua tận xứ Xiêm. Nhân số cứ hao mòn, thất lạc dần. Hai châu Mường Vang, Na Bôn đông dân nhất, mỗi châu khoảng hai ngàn người, nhưng bị hao mòn, xiêu tán, có thời điểm chỉ còn vài chục, vài trăm! Sinh nhiều, trẻ nuôi được lại ít. Sinh suất nhiều, tử suất ở lứa tuổi già lại cao hơn! Do đó, đồng bào nhân tộc rất thích nuôi trẻ đã hai, ba tuổi. Có người cho trẻ, bán trẻ, họ mừng rỡ, lập tức xin ngay hoặc mua, hoặc đổi chác liền tay bằng hiện vật.
Quan huyện Nguyễn Văn Tường cho lính và thuộc cấp xuống các châu, không quên dặn dò phải tìm gặp các thổ tri châu, các già làng trước, và vạch phương án đối phó với nạn giấu trẻ vào rừng. Chính quan huyện cũng lên ngựa đến vài châu có khả năng mua trẻ nhất.
Sau vài ngày, quan huyện nắm rõ: Nguyễn Quyền, tên côn đồ người Kinh đã bị bắt nhiều lần ở các huyện khác, cũng nhiều lần lọt lưới, lần này lại tiếp tục bắt cóc trẻ con bán cho đồng bào Thượng. Y đã bị lính định biên bắt được, đang giải về. Đứa con của hai vợ chồng người Kinh dưới xuôi đã được tìm ra. Cả hai mừng trào nước mắt, tạ ơn các quan huyện đến nghẹn lời.
Quan tri huyện Nguyễn Văn Tường biết mình gặp phải một nỗi đau chung. Một trận dịch quét qua, cả làng, cả huyện ở các xứ người Kinh trắng màu vôi bột sát trùng, cũng trắng màu tang chế chết chóc. Triều đình chẳng phải đã nhiều lần ban dụ khuyến khích sinh đẻ đó sao? Chẳng phải nơi nào sinh sôi, cư dân ngày một đông vui, quan sở tại sẽ được trọng thưởng đó sao?
Một lần vào dịp tháng tám nguyệt lịch, phủ thần Thừa Thiên Nguyễn Văn Phong vui mừng tâu lên đức vua Tự Đức: Huyện Thành Hoá của Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Bằng, Nguyễn Công Đạo đã chiêu phủ đồng bào thiểu số xiêu tán trở về thành công. Họ phải qua tận Lào thuyết phục dân, phải tổ chức nơi sinh sống để đón dân chạy con ma đói, trốn con quỷ bệnh trở về. Lần này, công lao khó nhọc của thông lại Nguyễn Công Đạo là lớn nhất. Ông được thăng thưởng thực thụ lại mục.
Và mùa xuân, tháng giêng Đinh tị (1857), năm Tự Đức thứ mười, trong những ngày còn vương vấn tiết trời lành lạnh và không khí nồng ấm của Tết Nguyên đán nơi huyện miền núi bạt ngàn hoa cỏ này, quan tri huyện Nguyễn Văn Tường đã lặn lội cùng chàng trai người nhân tộc Lâm Ngô, con của thổ tri châu Lâm Kiềm, thuyết phục được hai trăm bảy mươi (270) người thiểu số Vân Kiều đói rét, xiêu tán trở về để hưởng cái Tết muộn. Quan huyện đã chuẩn bị thịt tươi, dưa món, bánh tét, bánh chưng và dĩ nhiên, cái không thể thiếu được, là những ché rượu cần để hâm nóng câu chuyện, những thanh củi khô nỏ để dành cho các bếp lửa. Ông cũng đã viết tập đệ trình lên phủ doãn kinh đô Đỗ Quang theo ý nguyện của thổ tri châu Lâm Kiềm: Lâm Kiềm đã già yếu, xin trao lại chức cho con trai là Lâm Ngô. Phủ doãn họ Đỗ, người làng Phương Điếm, huyện Gia Lộc, ngoài Bắc, đã thay phủ doãn trước là Nguyễn Văn Phong, cũng vui mừng thông tư: Vua Tự Đức đã chuẩn y cho.
Trong những ngày tháng giêng vất vả, rét mướt và nồng ấm đó, viên phó quản cơ Định biên Nguyễn Bằng, một người có giác quan quân sự bén nhạy, luôn luôn song hành, góp sức đắc lực cho quan tri huyện. Họ được vua Tự Đức thưởng mỗi người ba tháng lương để cùng dân hồi hương hưởng Tết muộn (23).
Ngoài chín châu mường ki mi, ở Thành Hoá còn có một số buôn làng không phải là châu thuế dân, mà thuộc loại châu hoặc sách cống dân. Các châu làm nghĩa vụ thần dân là nộp thuế, gặp khi đói rét, dịch lệ sẽ được chẩn cấp. Đó là các châu mường. Các châu bạn (sách bạn) không phải là cộng đồng thần dân, họ chỉ chịu cống lễ theo hạn định, không có nghĩa vụ gì, cũng chẳng có quyền lợi gì. Họ được xem ở ngoài cõi giáo hoá của triều đình!
Ba tháng sau, tri huyện Nguyễn Văn Tường và phó quản cơ Nguyễn Bằng phái thí sai tri bạ Trần Hựu đến châu bạn Ba Ngạn giáp giới đất Lào để gặp Âm Bôn, trưởng châu, bàn bạc. Âm Bôn đồng ý thần phục triều đình và hiến một con voi dạy đã thuần, còn hứa sẽ tiến cống hàng năm. Ba trăm lẻ bốn (304) người thiểu số châu Ba Ngạn đều trở thành thần dân ki mi. Vua Tự Đức nghe tin, rất vui mừng và thưởng Âm Bôn cùng các dịch mục hàm chức, áo quần, tiền bạc, lại chỉ thị cho quan quản đạo mời yến ẩm, đồng thời cho giảm lệ cống, từ hằng năm xuống ba năm một lần. Kỉ niệm ấy đối với Trần Hựu còn là dịp được thăng thực thụ, đối với Nguyễn Văn Tường và Nguyễn Bằng là mỗi người hai thứ kỉ lục (24).
Hai tháng sau, vào tháng năm nguyệt lịch, chàng trai thổ tri châu Lâm Ngô và cha lại cung tiến một thớt voi (25)!
Nguyễn Văn Tường và các đồng sự cảm thấy tình cảm gắn bó giữa người Kinh, người thượng du Vân Kiều, Pa Kô, Tà Ôi… ngày càng thắm thiết. Đối với tri huyện Nguyễn Văn Tường, những cánh rừng, quả núi thâm u, kì bí ở Thành Hoá (Cam Lộ, Hướng Hoá, Đắc Krông…) đã thực sự không chỉ là vùng đất của kỉ niệm thời thơ ấu, mà đích thực là quê hương thứ hai của ông.

“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu
Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”

Lo toan trước cái lo toan của nhân dân
Vui mừng sau cái vui mừng của nhân dân (26)


Kẻ sĩ, nhà nho nhập thế, dấn thân tham dự vào chức trách chính quyền, kinh điển Nho giáo chẳng từng khuyên dặn như thế đó sao? Nguyễn Văn Tường tiếp thụ kinh điển theo cái tình, cái tâm riêng của ông.

3

Một ngày cuối tháng mười một, ở vùng rừng núi này, mưa cứ lâm thâm kéo dài, gió lạnh cóng cả cây cỏ. Quan tri huyện Nguyễn Văn Tường ngồi sau án thư, nhìn ra khoảnh sân trước công đường, trông những làn mưa bay trên cội mai già đã trụi lá, trên những chậu cúc xanh mượt đang chờ nắng để trổ nụ, bừng hoa.
Thỉnh thoảng, ông cúi xuống, đưa đầu bút lông vào nghiên mực nho đặc sánh, vê nhẹ. Ngón giữa và ngón cái cặp vào thân bút, ngón trỏ tì nhẹ vào chỗ gần cán bút, ông viết những dòng thơ.
Đang ngập ngừng tìm một chữ cho thật đắt, thật đắc địa, ông trông thấy hai người lính choàng áo tơi, cầm giáo, dẫn hai người khác, thoắt trông thấy là đoán được ngay: phạm nhân tội đồ.
Một người lính định biên của huyện, sau khi cởi áo tơi, cất nón, bước vào, hai tay cầm ống tre sơn đỏ đựng công văn. Anh ta thi lễ, trình báo:
- Bẩm quan huyện, tỉnh Quảng Bình, phủ Thừa Thiên và đạo Quảng Trị đã thừa lệnh thi hành án. Lính kinh phủ và lính dinh quản đạo mới giải giao hai tên phạm đã chịu phạt trượng lên đây kèm theo công văn của Ty Tam pháp ở kinh. Viên lính thuộc đạo Quảng Trị làm nhiệm vụ giải giao đang chờ lệnh.
- Đưa ta xem.
Quan huyện Tường mở dấu khằng, lấy tờ giấy có ấn triện, đọc và thoáng nghĩ ngợi.
- Bảo chúng vào đây.
Trong khi chờ họ thi lễ, trình báo, quan tri huyện nhận thấy hai kẻ phạm pháp này đúng là mặt trắng học trò. Theo công văn, họ không phải mắc các tội thường phạm.
- Các ngươi quê quán ở đâu, tại sao phạm pháp? – Thừa biết, nhưng quan huyện cứ hỏi để nghe cung cách trả lời của họ và xem xét thêm một vài khía cạnh khác –.
- Dạ, bẩm quan, chúng tôi người chính gốc làng Tiên Lễ, làng Lệ Sơn, đều thuộc huyện Minh Chính, tỉnh Quảng Bình ạ (27). – Giọng nói yếu ớt –.
- Làm gì mà lại can phạm? – Quan huyện từ tốn hỏi –. Một án lại đến một trăm trượng, đồ ba năm! Một án lại chín chục trượng, đồ hai năm rưỡi! Tại sao?
Người phạm nãy giờ im lặng bỗng lên tiếng:
- Bẩm, dạ thưa quan huyện, chẳng qua là cũng muốn góp lời, góp tâm huyết, kính mong được hoàng thượng cải đổi chính sách ruộng đất để yên dân, để chống Tây, chống “tả đạo” thôi… Dạ, nào ngờ… – Giọng anh ta run run, có lẽ do một trăm trượng đã lãnh, vết sưng nhức chưa khỏi –.
- Hai ngươi là học trò? Tâu lên hoàng thượng những gì?
- Dạ, bẩm quan, lũ học trò chúng tôi chỉ dám viết đơn phong kín tố cáo người trong hạt ngầm theo bọn ngoại quốc, mưu làm việc phi pháp. Kính xin nói rõ hơn, nội dung thế này: Xét thấy người giàu, kẻ nghèo mức sống, tài sản không đều nhau. Do thực trạng đó nên các đạo trưởng Gia Tô đã đem chuyện hoạ phúc trên trời, dưới đất, còn gọi là thiên đường, địa ngục, để lừa bịp người giàu, lấy tiền bạc gạo cơm của họ, rồi đồng thời, lại lấy tiền gạo dụ dỗ ấy mà mua được, dùng được công sức kẻ nghèo. Từ nhận thức về sự thực đó, chúng tôi xin đức vua lập ra phép chia ruộng bình quân. Nếu thi hành phép chia ruộng bình quân thì người giàu, kẻ nghèo đều nhau về tài sản, về mức sống. Và nhờ vậy, người nước ngoài không thể dẫn dụ dân ta được (27). Dạ, bẩm quan, chỉ có như rứa thôi ạ. – Anh ta thưa, có nhiều lúc như đứt hơi vì mệt –.
Quan huyện Nguyễn Văn Tường hơi giật mình, nghe như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Ông nhận ra ngay, đó không phải là kiến nghị tầm thường, tuy đâu dễ gì thực hiện! Ông cũng kinh ngạc khi nghe thấy và chính mắt đọc các dòng chữ bên cạnh bản án của họ: “đem lời góp nhặt để cầu tiến là tội nhẹ, lừa dối [về thực trạng giàu, nghèo…] là tội nặng, không thể không trừng trị được” (27) . Đó lại là lời châu phê của nhà vua trên cơ sở bản xét nghĩ của Ty Tam pháp! Dẫu sao, cũng đúng như hai người học trò kia nói, họ chỉ góp lời, góp tâm huyết.
- Thế giới đại đồng trong thiên Lễ ký của kinh điển Nho giáo ư?… Lí thuyết đại đồng xã hội viễn tưởng (chủ nghĩa xã hội không tưởng) bên Tây Âu ư? Lễ ký thì các người đều học. Có phải các ngươi nghe các khách thương nói về đạo Cơ Đốc (Christ, Tin Lành) biến tướng, pha trộn với lí thuyết đại đồng xã hội viễn tưởng (chủ nghĩa xã hội không tưởng) ở Hồng Tú Toàn và Thái Bình thiên quốc bên nước Thanh? Hay chỉ nghe nói về lí thuyết đại đồng xã hội viễn tưởng (chủ nghĩa xã hội không tưởng) bên Tây Âu? Các ngươi chắc đã biết, phe phái vương tướng Hồng Tú Toàn, khởi đầu được Phú, Hồng Mao viện trợ, nhưng nửa chừng chúng lại bỏ rơi, xoay qua giúp nhà Thanh? Bây giờ nội bộ triều đình Thái Bình thiên quốc cũng đã chia rẽ, sát hại lẫn nhau, đang dần dần biến chất thành phỉ…
- Dạ, bẩm quan huyện, lũ học trò chúng tôi chỉ nhìn thấy thực trạng và suy nghĩ, mạo muội kính tâu kiến nghị thôi, chứ ở quê kiểng có sách nhiều mô mà đọc, khách thương cũng ít người lai vãng…
- Tại sao bản sao trích lục giải giao cải huấn lại ghi rõ là “góp nhặt”? – Quan huyện Tường chìa mấy tờ giấy –. Thôi… Được rồi, ta đã hiểu tội trạng… Các ngươi cứ yên tâm. Bây giờ cho ta biết: Ai là Lương Trợ Lý? Ai là Hoàng Hữu Phu (27)?
Người trình bày khá cặn kẽ về nội dung tập đơn phong kín kia chính là Lương Trợ Lý. Trong hai người, Lương Trợ Lý là kẻ bị phạt với mức án cao nhất.
Nhìn kĩ gương mặt trẻ trung học trò của họ một lần nữa, quan huyện Nguyễn Văn Tường ôn tồn bảo:
- Các ngươi nhớ chấp hành án tốt, có thể sẽ được tâu xin giảm án. Nhớ chấp hành thật tốt đấy! Thôi, theo người lính kia về trại giam. Ngày mai ta sẽ xét… Lát nữa, sẽ có người mang thuốc đến để tẩm, bóp vào chỗ sưng nhức!
- Xin đa tạ quan huyện ạ… – Giọng nói của họ có chút vui mừng, hơi nghèn nghẹn –.
Tại sao? Tại sao lại trừng phạt hai viên học trò đầy tâm huyết kia, cho dù biện pháp bình quân ruộng đất là rất khó khăn?
Sau khi bảo viên thư lại làm tờ biên giải giao và tiếp nhận với tên thuộc lại đạo Quảng Trị, quan huyện Nguyễn Văn Tường ngồi lặng lẽ đọc lại những giòng chữ bản sao trích lục án trong tập lưu cải huấn phạm nhân, ông thừ người suy nghĩ. Ông đứng dậy, bước tới khung cửa, nhìn ra ngoài sân. Mưa đang lất phất bay, lạnh buốt.
Không, ông tự nhủ, bây giờ cái chính là suy nghĩ cách đối phó với bọn thực dân Phú Lãng Sa, bọn “tả đạo” giả mạo tôn giáo! Ông cũng mới vừa nghe tin, ở Hưng Yên, Nam Định, cuối tháng mười một năm Tự Đức thứ mười (1857) này đây, bọn giặc theo đạo Gia Tô đang quấy nhiễu (28)!

Truyện kí thứ ba (còn tiếp)

Viết đến dòng chữ này lúc 11 giờ kém 13 phút,
ngày 27. 08. 2002
(mười chín tháng bảy Nhâm ngọ,
năm thứ hai công nguyên Hoà Bình).


TRẦN XUÂN AN

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 27, sđd., tr. 423; Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (NĐNĐDVP. & TH.), sđd., tr. 170 – 178.

(2) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 9 – 10.

(3) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 60 – 61.

(4) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 62 – 82.

(5) Xem chú thích (34).

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), tập 2, sđd., tr. 336.

(7) Viện Văn học, Từ điển văn học (TĐVH.), tập 1, sđd., tr. 129.

(8) ĐNLT., tập 3, sđd., tr. 344 – 345.

(9) ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 510 – 512.

(10) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC.), tập 1, sđd., tr. 118.

(10) ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 235 – 238.

(12) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 253.

(13) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 202.

(14) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 112.

(15) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 84 – 85.

(16) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 275 – 277.

(17) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 282 – 283.

(18) Phan Khoang, Trung quốc sử lược (TQSL.), ấn quán Hồng Phát, Chợ Lớn, 1958, tr. 353 – 368, tr. 376.

(19) ĐNLT., tập 2, sđd., tr. 447 – 450

(20) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 217.

(21) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 271.

(22) ĐNNTC., tập 1, sđd., tr. 103 – 109.

(23) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 314 – 315.

(24) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 324.

(25) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 335.

(26) Vũ Đức Sao Biển, bài “Đọc thơ Nguyễn Văn Tường”, trong Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường (NCCTĐH. & NVT.), kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử, ĐHSP. TP. HCM., 20.6.1996, tr. 72. Xin xem thêm: Trần Xuân An (biên soạn), Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ, vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (PCĐT. NVT., VNVCN., TH. & TT.), bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản). Thơ Nguyễn Văn Tường, do hậu duệ sưu tập, chỉ còn lại 65 bài.

(27) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 381 – 382.

(28) ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 384, 38, 392…

TXA.

Hết phân đoạn 1
truyện kí thứ ba
(còn tiếp)

XIN XEM TIẾP TỆP 5
phân đoạn 2
trọn
truyện kí thứ ba

0 Comments:

Post a Comment

<< Home